Bà con lối xóm dành nhiều tình cảm, sự quý mến cho gia đình bà Phạm Thị Bích Thủy và ông Mai Văn Phúc (ngụ tại khu vực Thạnh Lợi, phường Phú Thứ, quận Cái Răng). Bởi, hơn 36 năm chung sống, vợ chồng bà Thủy luôn đồng cam cộng khổ, nỗ lượt vượt khó thoát nghèo và hết lòng chăm lo, vun vén cho tổ ấm gia đình, nuôi dạy các con nên người. Bên cạnh đó, vợ chồng ông bà còn có tấm lòng thơm thảo, sẵn lòng san sẻ, giúp đỡ mọi người những lúc khó khăn …
Một ngày làm việc của vợ chồng bà Thủy bắt đầu từ rất sớm. Cả hai cùng dọn hàng cà phê, nước giải khát và tạp hóa để bán cho bà con trong xóm. Nhiều khách quen đến để ủng hộ bởi ông bà buôn bán giá cả phải chăng lại niềm nở, vui vẻ. Khi đã thưa khách, ông bà tranh thủ cắt rau muống, bó lại gọn gàng để buổi chiều giao cho thương lái đã đặt trước. Mô hình trồng rau muống trên mặt nước được ông bà thực hiện khoảng 7, 8 năm nay. Bà Thủy bảo: "Ban đầu, gia đình chỉ tận dụng mặt nước trên sông trồng chút đỉnh rau để có ăn. Không ngờ càng làm càng phát triển do bà con thích rau trồng tự nhiên không phân thuốc. Đến nay, trung bình mỗi ngày gia đình tôi đều cắt bỏ mối khoảng 30-40kg rau, giá mỗi ký 5.000 đồng, mỗi ngày thu về khoảng 150-200 ngàn đồng".
Vợ chồng bà Thủy cùng thu hoạch rau muống
Hiện tại, dù kinh tế đã ổn định nhưng ông Phúc vẫn giữ thói quen bơi xuồng đi câu, thả lưới để kiếm cá, tép làm thức ăn cho gia đình, tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Bà Thủy nói vui, nhờ chồng mà hầu như ngày nào bà cũng khỏi đi chợ vì nhà lúc nào cũng có cá để ăn. Bà Thủy bảo, tính chồng bà cần kiệm, làm lụng suốt ngày không nghỉ tay. Còn ông Phúc thì thương vợ tính đảm đang, chịu khó, lại sống có tình có nghĩa, hiếu thảo. Trong cuộc sống hằng ngày, vợ chồng ông bà rất đồng lòng, phân công, sắp xếp công việc chu đáo, khi nào người này rảnh tay thì phụ giúp người kia.
Nhắc chuyện xưa, ông bà kể cái hồi mới cưới, vợ chồng ông bà nghèo lắm, chỉ có 2 công đất vườn tạp, huê lợi chẳng được bao nhiêu. Để mưu sinh, vợ chồng bà chọn nghề mua bán trên ghe. Ngày ngày, vợ chồng bà Thủy rong ruổi từ sáng tinh mơ đến chiều tối mới về, 3 người con ở nhà tự chăm sóc, bảo ban nhau. Suốt hơn chục năm mua bán trên sông, dành dụm vốn liếng, ông bà mới lên bờ mở tiệm tạp hóa. Kể đến đây, bà Thủy lại thương người con gái lớn của mình. Do hoàn cảnh khó khăn, lại là chị cả trong nhà có 3 chị em (1 gái, 2 trai) nên con gái bà Thủy phải gánh vác hết mọi việc. Bà Thủy xúc động nói: "Mặc dù học khá giỏi, nhưng con gái tôi chỉ học đến lớp 10 rồi nghỉ. Nó bảo, gia đình khó khăn, nếu cả 3 đứa con đi học hết thì ba mẹ lo không nổi. Lúc vợ chồng tôi còn mua bán trên ghe, một tay con gái tôi ở nhà lo cơm nước, nhắc nhở hai đứa em học hành. Chị em tụi nó rất thương yêu, khắng khít với nhau từ nhỏ". Hiện tại, con gái bà Thủy đã lập gia đình và có cuộc sống riêng ổn định. Hai người con trai của bà Thủy thì có điều kiện học hành hơn. Người con trai kế học trung cấp nghề, hiện đã đi làm thu nhập hàng tháng khoảng 5-6 triệu đồng. Hằng tháng con trai đều trích lương đưa mẹ, phụ lo đứa em trai út đang học năm thứ 2- ngành kỹ thuật công trình xây dựng, Trường Đại học Cần Thơ. Vợ chồng người con gái lớn cũng thường về thăm, cho tiền em trai đi học. Hơn mấy chục năm chắt chiu, cần kiệm, vợ chồng bà Thủy dần tích lũy và cất được căn nhà tường khang trang trị giá hơn trăm triệu đồng.
Không chỉ chí thú làm ăn, chịu thương chịu khó, vợ chồng bà Thủy còn được nhắc đến bởi tấm lòng thơm thảo, sống nghĩa tình, san sẻ với những người xung quanh. Các dịp lễ, Tết, ông bà đều ủng hộ quà dù chỉ là những nhu yếu phẩm hàng ngày để chia sẻ cùng bà con nghèo. Bà Thủy bộc bạch: "Quà tuy nhỏ nhưng đó là cả tấm lòng của vợ chồng tôi dành cho bà con. Từng trải qua cảnh nghèo khó nên tôi thấu hiểu, cảm thông với bà con nghèo. Việc tôi làm không có gì đáng kể". Nhắc đến gia đình bà Thủy, bà Phạm Thị Tuyết Ngọc, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Phó Bí thư chi bộ khu vực Thạnh Lợi, trân trọng nói: "Gia đình chị Thủy, anh Phúc gương mẫu, nề nếp. Vợ chồng đồng lòng vượt khó, chí thú làm ăn, nuôi dạy các con chăm ngoan, hiếu thảo, được lối xóm quý mến. Ngay lúc còn khó khăn, vợ chồng chị Thủy, anh Phúc đã tích cực tham gia các phong trào từ thiện xã hội ở địa phương, sẵn sàng nhường cơm, xẻ áo với bà con nghèo. Điều đó thật đáng trân trọng".
Bài, ảnh: ĐỒNG TÂM