Mô hình Chi hội Phụ nữ dân tộc của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều được thành lập từ năm 2006. Chi hội có 90 thành viên là hội viên phụ nữ người dân tộc Khmer ở các khu vực 1, 3 và 5 tham gia sinh hoạt. Qua đó, chị em không chỉ được tuyên truyền, nâng cao kiến thức về mọi mặt mà còn được quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, hỗ trợ vươn lên phát triển kinh tế gia đình…
Theo chị Nguyễn Thiên Nga, Chủ tịch Hội LHPN phường Xuân Khánh, toàn phường Xuân Khánh có 248 hộ dân tộc thiểu số, trong đó 137 hộ là người dân tộc Khmer, với 798 nhân khẩu (có 319 nữ), tập trung sống chủ yếu ở khu vực 1, 3 và 5. Với mong muốn tập hợp chị em phụ nữ đặc thù tham gia sinh hoạt Chi hội Phụ nữ dân tộc, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của chị em để có biện pháp hỗ trợ thiết thực, Chi hội duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi năm 3 lần vào các dịp: Chôl Thnăm Thmây, Sen Đôn-ta, Ok-Om-Bok với các nội dung tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng liên quan đến công tác dân tộc, tuyên truyền kiến thức pháp luật, kiến thức về giới. Ngoài ra, hằng tháng các chị em cũng được lồng ghép tuyên truyền các nội dung sinh hoạt Hội, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, các phong trào thi đua của các cấp Hội LHPN phụ nữ tại các Chi hội. Nhân dịp Tết Chôl Thnăm Thmây năm nay, Hội LHPN phường đã tổ chức họp mặt, tặng quà cho các thành viên; phối hợp tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp…
Nhờ tham gia Chi hội Phụ nữ dân tộc của Hội LHPN phường Xuân Khánh,
chị Đào Thị Đang, ở khu vực 3 được chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần.
Nhằm đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động đông hội viên phụ nữ là người dân tộc tham gia tổ chức Hội, tháng 8-2010, Hội LHPN phường Xuân Khánh ra mắt mô hình Câu lạc bộ (CLB) "Nâng cao năng lực tổ chức cuộc sống gia đình" trực thuộc Chi hội Phụ nữ dân tộc. Cô Đào Thị Sem, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ dân tộc, cho biết: "Nhiều chị em dân tộc Khmer có đời sống khó khăn, trình độ học vấn hạn chế, thiếu vốn… Vì vậy, chị em rất cần sự giúp đỡ, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện của các tổ chức, cá nhân để nâng cao vai trò trách nhiệm của mình trong gia đình và ngoài xã hội". Tham gia CLB, các chị em được tạo điều kiện giao lưu, học tập nâng cao trình độ, nhận thức về Hội, về giới, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vay vốn, phát triển kinh tế gia đình; đồng thời, các chị em được hướng dẫn cách chăm sóc, giáo dục con cái, xây dựng gia đình đạt 4 chuẩn mực "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc". Cũng theo cô Sem, không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, những năm qua, Chi hội đã giới thiệu giúp 11 chị vay vốn của dự án ODA nâng cấp nền nhà, 5 gia đình chuyển đổi ngành nghề; 67 chị em được vay vốn từ nhiều nguồn với tổng số tiền 373 triệu đồng; duy trì nhóm Phụ nữ tiết kiệm, với 45 thành viên và tổ hùn vốn xoay vòng 21 thành viên; vận động 8 chị tham gia các lớp nghề miễn phí, giới thiệu 31 chị giúp việc nhà, phụ quán ăn. Bên cạnh đó, Chi hội còn vận động cất mới và sửa chữa 2 căn nhà "Mái ấm tình thương", vận động nhiều học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; kết hợp vận động mạnh thường quân tặng 800 kg gạo và 20 kg bột ngọt tặng các thành viên... Qua đó, giúp nhiều gia đình vươn lên ổn định cuộc sống. Đến nay, toàn CLB có 22 chị có mức sống khá - giàu, 7 chị là công nhân viên chức, 2 sinh viên, 2 chị có trình độ đại học, 6 chị có trình độ cấp 3…và chỉ còn 19 chị là hộ nghèo có sổ và 2 chị không biết chữ.
Chị Trần Thị Bích Liên, hội viên phụ nữ khu vực 5, bộc bạch: "Tham gia Chi hội, tôi được tuyên truyền nhiều kiến thức bổ ích, được giới thiệu vay vốn mua bán, phát triển kinh tế gia đình, lo con con cái ăn học. Mấy năm trước, tôi còn được Hội LHPN hỗ trợ xây dựng "Mái ấm tình thương", tạo điều kiện để gia đình tôi có nơi ăn chốn ở ổn định". Chị Liên là một trong những hội viên của Chi hội Phụ nữ dân tộc có hoàn cảnh khó khăn. Vợ chồng chị Liên có 4 đứa con, ông xã bị bệnh nên mọi chi phí sinh hoạt gia đình đều do một tay chị gánh vác. Trước đây, chị Liên từng đi làm mướn, rồi được Hội LHPN phường giới thiệu vay vốn 3 triệu đồng để đi bán vé số. Từ sau Tết Nguyên đán, chị Liên chuyển sang mua bán rau cải ở chợ Xuân Khánh, cuộc sống dần ổn định. Tương tự, chị Đào Thị Đang, hội viên phụ nữ khu vực 3 làm nghề bán cá ở chợ Xuân Khánh cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Chị Đang bị bệnh suy thận, phải chạy thận suốt 8 năm nay. Chồng bỏ đi khi con mới 9 tuổi, một mình chị phải vất vả kiếm sống. Chị Đang tâm sự: "Tham gia Hội Phụ nữ có nhiều điều lợi. Những ngày lễ, Tết của dân tộc Khmer, tôi thường được tặng gạo, quà. Cũng nhờ được cấp Thẻ bảo hiểm y tế miễn phí dành cho hộ nghèo mà tôi có điều kiện được chữa bệnh. Tôi rất cảm ơn…".
Không riêng trường hợp chị Liên, chị Đang, thời gian qua thông qua mô hình Chi hội Phụ nữ dân tộc nói chung, CLB "Nâng cao năng lực tổ chức cuộc sống gia đình" nói riêng đã tổ chức, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực giúp nhiều hội viên vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, góp phần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, tập hợp hội viên tham gia tổ chức Hội.
Bài, ảnh: TUỆ ANH