Hơn 40 đại biểu là đại diện Ban Soạn thảo; Tổ biên tập Dự thảo Bộ Luật; Ban Tuyên giáo TW; một số bộ, ngành liên quan; các phòng, ban TW Hội; các cơ quan thông tấn, báo chí đã tham dự Hội nghị. Phó Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên chủ trì Hội nghị.
Việc góp ý cho Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này, TW Hội LHPN Việt Nam đã tập trung góp ý vào những quy định có liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới. Trong đó, 4 vấn đề chính, nổi bật được quan tâm nhiều nhất là: tuổi nghỉ hưu; chế độ thai sản; nhà trẻ, mẫu giáo; thành lập tổ chức chính trị, chính trị- xã hội trong doanh nghiệp.
Trao đổi ý kiến tại Hội nghị
Về tuổi nghỉ hưu, Hội nhất trí với việc tách các đối tượng là người lao động và cán bộ, công chức, viên chức để có quy định độ tuổi nghỉ hưu hợp lý. Đề nghị nghiên cứu điều chỉnh thêm cho phù hợp với pháp luật về bình đẳng giới theo hướng điều chỉnh giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ; đối với lao động có trình độ cao, cần có quy định hợp lý hơn để bảo đảm quyền làm việc và tận dụng được năng lực của họ. Mặt khác, Hội cũng đề nghị trên cách tiếp cận quyền, pháp luật cần ghi nhận công lao đóng góp to lớn của phụ nữ đối với nguồn nhân lực tương lai bằng quy định tuổi hưu linh hoạt, trao quyền quyết định tuổi hưu thực tế cho phụ nữ, không bắt buộc phải thực hiện chung một độ tuổi mang tính cố định có thể phù hợp với người này mà không phù hợp với người kia.
Trong vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, Hội đề nghị việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo nên là trách nhiệm của 3 bên Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động, trong đó trách nhiệm chính là của Nhà nước. Trường hợp giao trách nhiệm cho doanh nghiệp thì Nhà nước phải hỗ trợ mặt bằng đề xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cô nuôi dạy trẻ.
Với chế độ nghỉ thai sản, Hội đồng tình quan điểm quy định chung về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ là 6 tháng cộng cả trước và sau khi sinh, được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 30 ngày. Đồng thời Hội cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một Điều khoản quy định về việc người chồng được nghỉ tối đa một khoảng thời gian trước và sau khi lao động nữ sinh con; một số chính sách thai sản cho người lao động nữ nông dân, nông thôn.
Liên quan đến thành lập tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, trong quá trình góp ý, cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định các tổ chức chính trị, chính trị- xã hội vì phần lớn đã có công đoàn nhằm tránh chồng chéo, chi phối thời gian của người lao động.Tuy nhiên, theo Hội LHPN Việt Nam, việc thành lập các tổ chức này trong doanh nghiệp là rất cần thiết, góp phần cho sự phát triển của doanh nghiệp và bản thân người lao động; đề nghị bổ sung thêm các quy định về vấn đề này theo hướng làm rõ trách nhiệm và quyền của người sử dụng lao động và người lao động.
Theo kế hoạch, Bộ luật Lao động (Sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2012. Từ nay đến đó, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, có trách nhiệm đóng góp ý kiến để khi Bộ luật sửa đổi được thông qua sẽ sát với tình hình thực tiễn của lao động nữ hiện nay cũng như bảo đảm tối đa quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ.