Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Dạy nghề cho người nghèo, hướng đến giảm nghèo bền vững

09:07 - 09/01/2012

Thời gian qua, cùng với nhiều chính sách trợ giúp cho người nghèo, chính sách dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo ổn định thu nhập được đánh giá là thiết thực và căn cơ.

Nếu thực hiện tốt thì sẽ mang lại hiệu quả đáng khích lệ, trực tiếp tác động và làm thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo. Để làm được điều đó, chính quyền đoàn thể các cấp phải thật sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện chính sách này và tích cực tìm giải pháp tạo việc làm tại chỗ cho người nghèo...
 
* Cầm tay chỉ việc
Chị Lý Thị Sa Rinh, phụ nữ người dân tộc Khmer nghèo, ở khu vực Bình Lợi, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, hớn hở khoe với chúng tôi sản phẩm bóp cầm tay làm bằng những hạt cườm nhiều màu sắc và nói: “Hổm rày, tui học làm được móc khóa, bóp cầm tay này và đang chuẩn bị các công đoạn làm giỏ xách tay. Lúc mới học tui thấy khó quá tưởng không làm được, nhưng dần dà cũng quen và bây giờ thì rành rồi. Tui chỉ mong học nghề xong, kiếm được tiền để sinh sống là được”. Từ sáng sớm, chị Sa Rinh thức sớm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu cơm trưa cho cả nhà để yên tâm đến lớp học nghề.
 
Hơn 20 phụ nữ nghèo, cận nghèo (gọi chung là người nghèo), ở khu vực Bình Lợi và Bình Yên, phường Trường Lạc tham gia học nghề kết cườm, do Trung tâm dạy nghề quận Ô Môn kết hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường tổ chức đều có gia cảnh và mong muốn như chị Sa Rinh. Bà Đinh Thị Tuyết Hương, giáo viên phụ trách lớp, cho biết: Sau hơn 1 tháng học nghề, các chị đã khá thạo nghề và làm được nhiều sản phẩm. Phải tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo học nghề, như: bố trí thời gian thích hợp; điểm học gần nhà; dạy cặn kẽ, dễ hiểu theo kiểu cầm tay chỉ việc; gần gũi, hòa đồng, kịp thời thực hiện các chính sách...
 
Khoe bộ đồ đang mặc, chị Nguyễn Thị Dung (học viên lớp nghề may gia dụng cho người nghèo, tổ chức ở ấp Thới Lộc, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai), vui vẻ nói đây là “sản phẩm đầu tay” của mình sau 2 tháng học nghề may gia dụng. Vốn mê nghề may từ thời con gái nhưng do gia đình nghèo nên chị Dung không có điều kiện học nghề cho đến nay. Lần này, được học nghề may miễn phí và có máy may để hành nghề, chị Dung rất mừng và học rất chăm chỉ, siêng năng. Chị Dung bộc bạch: “Lấy chồng rồi sinh 2 con, bận bịu kiếm sống, tôi không có thời gian và điều kiện học nghề. Học nghề xong, tôi hy vọng sẽ có thêm thu nhập lúc nông nhàn”. Đó cũng là nguyện vọng của 20 phụ nữ nghèo xã Xuân Thắng đang học nghề này.
 
Từ tháng 8 đến nay, huyện Thới Lai đã tổ chức 5 lớp nghề may gia dụng và đan đát cho trên 100 người nghèo các xã: Đông Thuận, Trường Xuân B và Xuân Thắng... Cùng thời gian này, huyện Cờ Đỏ cũng nỗ lực huy động học viên để triển khai 6 lớp dạy nghề cho 120 người nghèo các xã tỷ lệ hộ nghèo cao, như: Thới Xuân, Thới Đông, Đông Hiệp...
 
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố, do đây là năm đầu tiên thực hiện tiêu chí hộ nghèo mới nên công tác dạy nghề cho người nghèo triển khai chậm. Ngay sau khi thành phố triển khai kế hoạch, các địa phương đã chọn đối tượng, tìm hiểu nhu cầu học nghề, bố trí địa điểm tổ chức. Đến nay, 12 lớp nghề cho trên 240 người nghèo, cận nghèo được triển khai ở các quận, huyện.
 
* Cần ổn định việc làm, tiêu thụ sản phẩm
Trong 2 năm (2009-2010), thành phố đã mở 49 lớp dạy nghề miễn phí cho gần 1.200 người nghèo, ưu tiên cho các xã vùng sâu, có tỷ lệ hộ nghèo cao, đã giúp một bộ phận người nghèo có việc làm, thu nhập tại chỗ. Tháng 7-2011, chính sách trợ giúp người nghèo học nghề cũng khởi động. Với kinh phí trên 1,6 tỉ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, thành phố sẽ triển khai 25 lớp nghề, như: May gia dụng, đan đát, uốn tóc, kết cườm... cho trên 500 người nghèo, cận nghèo chưa có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, có nhu cầu học nghề để có việc làm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, các lớp nghề được tổ chức theo hình thức lưu động tại các ấp, khu vực; học nghề từ 2-4 tháng (tùy theo nghề). Ngoài việc học nghề miễn phí, mỗi người nghèo được hỗ trợ 15.000 đồng/ngày, cận nghèo 10.000 đồng/ngày và được trợ giúp việc làm sau học nghề.
 
Theo ngành chức năng các địa phương, khó khăn nhất là việc vận động người nghèo tập trung học nghề thời gian dài vì còn phải làm mướn kiếm sống mỗi ngày. Bà Mai Thị Nguyện, Chủ tịch Hội LHPN phường Trường Lạc, quận Ô Môn, nói: “Thu nhập chủ yếu từ nghề làm mướn nên các chị khó bỏ việc để học nghề. Chúng tôi tập trung vận động các chị đến lớp nghề và đang liên hệ để ổn định tiêu thụ sản phẩm để các chị chú tâm học nghề”. Thực tế cho thấy, những địa phương thật sự quan tâm đến việc trang bị nghề, việc làm cho người nghèo đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động; triển khai kịp thời và quản lý khá tốt các lớp nghề; thỏa thuận giá cả gia công sản phẩm hợp lý, hài hòa quyền lợi đôi bên... Ông Lê Quang Hùng, cán bộ phụ trách công tác đào tạo nghề, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai, cho biết: “Sở dĩ, chúng tôi mở các lớp nghề may và đan đát vì nghề phù hợp với sở thích và gia cảnh phụ nữ nghèo. Mặt khác, thời gian qua, huyện Thới Lai đã tổ chức và duy trì khá tốt mô hình gia công các sản phẩm may mặc cho Hợp tác xã Phú Thọ (trụ sở đặt tại xã Trường Xuân) và thủ công mỹ nghệ cho Hợp tác xã Kim Hưng... giúp nhiều phụ nữ nghèo có thu nhập. Thu nhập bình quân nghề đan đát: từ 600 ngàn - 1 triệu đồng/người/tháng; nghề may: từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/người/tháng...
 
Bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: “Chính sách dạy nghề cho người nghèo đã được các địa phương kịp thời triển khai thực hiện. Các huyện ngoại thành như Thới Lai, Cờ Đỏ... đã khảo sát nhu cầu và vận động người nghèo ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tham gia học nghề... kịp thời đáp ứng nguyện vọng được học nghề phù hợp, giúp người nghèo tạo việc làm, tăng thu nhập. Ở một vài địa phương, nhờ sự chủ động của các đoàn thể, người nghèo đã có việc làm, thu nhập từ nghề may gia dụng, đan đát...”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể chức năng trong chương trình này chưa đồng bộ, chặt chẽ nên hiệu quả việc làm sau học nghề chưa cao, chưa xây dựng các mô hình nhóm, tổ hợp gia công các sản phẩm, tạo việc làm tại chỗ cho người nghèo.  
                                                                                                                                                               (Theo Báo Cần Thơ)
Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

61136

Hôm nay:
5
Tháng này:
420
Tổng lượt truy cập:
61136