Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Đẩy mạnh tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác

11:55 - 01/09/2015

Đó là mục đích, ý nghĩa của hội thi tuyên truyền viên giỏi về "Giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác" do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Cần Thơ vừa tổ chức. Hội thi không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền mà còn góp thêm tiếng nói của mình trong công tác bảo vệ môi trường và động vật hoang dã nói chung, loài tê giác nói riêng...

Nằm trong khuôn khổ lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội dành cho cán bộ Hội cơ sở năm 2015, tuy thời gian chuẩn bị tương đối ngắn nhưng theo đánh giá của Ban Tổ chức hội thi thì hầu hết các đội thi đã đầu tư chu đáo, thể hiện trọn vẹn mục đích, yêu cầu đặt ra; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thí sinh, tạo không khí hào hứng sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ. Đến với hội thi, 10 đội thi đến từ Hội LHPN các quận, huyện và tương đương (mỗi đội từ 3 đến 5 thí sinh) trải qua 3 phần thi, gồm: năng khiếu tuyên truyền, hiểu ý đồng đội và thiết kế thông điệp truyền thông. Tuy cùng một nội dung tuyên truyền xoay quanh công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, các loài động vật hoang dã... gắn với việc giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác nhưng mỗi đội mang đến cho hội thi nhiều màu sắc khác nhau...

 

 

Với kịch bản tuyên truyền mang tên "Trái đất này là của muôn loài", đội thi đến từ Hội LHPN quận Bình Thủy đã cung cấp cho người xem nhiều kiến thức khoa học, thông tin bổ ích về loài tê giác nói riêng và động vật quý hiếm nói chung. Qua đó, các chị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật quý hiếm và công tác bảo vệ môi trường. Trong khi đó, Hội LHPN huyện Cờ Đỏ lựa chọn hình thức tuyên truyền hấp dẫn, đi vào lòng người thông qua lời ca, tiếng hát. Chị Nguyễn Thị Bích Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: "Với những kiến thức cơ bản tích lũy được, chúng tôi mong muốn thông qua hình thức sân khấu hóa sẽ giúp chị em "dễ thuộc, dễ nhớ", giúp công tác tuyên truyền đạt hiệu quả hơn". Cũng theo chị Phượng, cùng với những kiến thức thu nhận từ việc tham gia tập huấn, cập nhật, bổ sung thông tin từ báo- đài, thời gian qua, Hội LHPN xã Đông Thắng đã lồng ghép tổ chức được 2 cuộc tuyên truyền kiến thức về giảm thiểu sử dụng sừng tê giác cho trên 80 chị em. Sắp tới, các chị đang tiếp tục nghiên cứu có những hình thức tuyên truyền thiết thực, phù hợp với cán bộ, hội viên phụ nữ địa phương.

Hội thi còn tạo điều kiện giúp chị em giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, giúp công tác tuyên truyền ngày càng hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Lịch, Chủ tịch Chi hội Phụ nữ Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an TP Cần Thơ, chia sẻ: "Qua hội thi, chúng tôi có điều kiện tìm hiểu nhiều kiến thức khoa học, bổ ích về tê giác và sừng tê giác; đồng thời rèn luyện, trau dồi kỹ năng tuyên truyền, vận động người thân, kêu gọi mọi người xung quanh hiểu đúng về tác dụng thật của sừng tê giác, không có công dụng chữa bệnh, sừng tê giác cũng như móng tay người, nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng sừng tê giác".

 

Theo Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (CITES là Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp mà Việt Nam là thành viên thứ 121), tê giác là một trong những loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tiệt chủng cao nhất trên thế giới do nạn săn bắn tràn lan vì những tin đồn thổi về công dụng chữa bệnh hữu hiệu của sừng tê giác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay do sự hạn chế về nhận thức của một bộ phận người dân, trong đó có phụ nữ hoặc do những lời thêu dệt về công dụng chữa bệnh của sừng tê giác đã làm cho một số người tin rằng đây là một liều thuốc chữa "bách bệnh" từ những bệnh nan y đến cảm sốt thông thường… Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhằm giảm thiểu nhu cầu đối với sừng tê giác là một việc làm thiết thực mà các cấp Hội LHPN muốn hướng đến. Bà Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, cho biết: "Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã, cùng với chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp Hội LHPN trong thành phố tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, kỹ năng tuyên truyền, góp phần giảm thiểu nhu cầu sử dụng sừng tê giác. Thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động như: tổ chức các hội thi, hội thảo, tuyên truyền lồng ghép tại các kỳ sinh hoạt tổ, nhóm, nhằm cung cấp kiến thức, giúp cán bộ, hội viên và người dân có cái nhìn chính xác về công dụng thật của sừng tê giác không như lời đồn thổi; cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn động, thực vật quý hiếm trong đó có tê giác...".

Nằm trong chuỗi các hoạt động ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội LHPN TP Cần Thơ với Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam thực hiện chiến dịch tuyên truyền "Giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác" trong cán bộ, hội viên, phụ nữ thành phố, thời gian qua, Hội LHPN thành phố đã tổ chức nhiểu buổi hội thảo, tập huấn nâng cao nhận thức về giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác cho trên 300 cán bộ Hội cơ sở, Chi hội trưởng, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ thuộc các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng; và xây dựng kế hoạch tuyên truyền trong hội viên, phụ nữ đối với các quận, huyện còn lại trong thành phố…

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

 

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69534

Hôm nay:
21
Tháng này:
71
Tổng lượt truy cập:
69534