Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Cơ hội làm lại cuộc đời

00:00 - 09/01/2012
Nhiều chị em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu kiến thức nên bị bọn tội phạm lường gạt buôn bán với mục đích bóc lột tình dục. Nhiều nạn nhân trong số đó đã may mắn được tiếp cận với sự trợ giúp của Dự án “Hỗ trợ quá trình tái hòa nhập cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của việc xâm hại và buôn bán vì mục đích bóc lột tình dục ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

 

 

Hội thảo tổng kết giai đoạn II của Dự án “Hỗ trợ quá trình tái hòa nhập cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của việc xâm hại và buôn bán vì mục đích bóc lột tình dục ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Dự án do Trung ương Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo thực hiện. Thành lập Trung tâm Trợ giúp phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khu vực ĐBSCL (Trung tâm AAT tại Cần Thơ) đặt tại số 30/3, đường Hùng Vương, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ và ủy quyền cho Hội LHPN TP.Cần Thơ trực tiếp điều hành, quản lý. Dự án đã được thực hiện giai đoạn I từ năm 2005-2008, giai đoạn II từ năm 2008-2011, do Liên minh phòng chống buôn bán người (AAT) tài trợ chính.
 
* Còn một lối về
 
Chị N. T. N. ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ là nạn nhân bị gạt sang Malaysia để “tiếp khách”. Gia cảnh khó khăn, chị mong muốn đi làm để giúp đỡ cha mẹ thoát khỏi cảnh nghèo. Nghe lời dụ dỗ, chị vội vã theo người hàng xóm qua Malaysia mà không kịp báo một lời cho cha mẹ. Những tưởng sang bên ấy làm sẽ có tiền gửi về gia đình. Nhưng khi đến nơi, bọn chúng bắt chị “tiếp khách”, chị chống cự thì chúng lớn tiếng dọa nạt và bảo nếu muốn về thì phải đưa đủ cho chúng 1.700USD, tiền mà chúng lo chi phí cho chị sang Malaysia. Chị biết mình bị lừa, nên đành nghe theo chúng để có cơ hội trốn về quê hương. “Không nghe lời, chúng đánh đập, thậm chí giết chết ở bên ấy cũng không ai hay biết”- chị N. nói. Lỡ bước sa chân vào “tổ quỷ”, chị N. thật bình tỉnh để bảo toàn tánh mạng. Thời gian không lâu, chị đã tạo được lòng tin của bọn chúng, tranh thủ lúc chúng không cảnh giác, trốn thoát ra ngoài và chạy đến đồn cảnh sát Malaysia trình báo sự việc. Chị bị tạm giam tại trại giam của Belantek và mượn điện thoại gọi về nhà. Gia đình chị được giới thiệu đến Trung tâm AAT tại TP.Cần Thơ đề nghị được giúp đỡ. Ngay tối hôm đó, chị được đón về trung tâm. Ở đây, chị được hỗ trợ học nghề nấu ăn tại nhà hàng Hoa Sứ, chị được giáo dục kỹ năng sống. Hiện chị được tuyển dụng làm việc tại Trung tâm AAT tại Cần Thơ với công việc quản gia.
 
Trường hợp của hai chị em ruột H.T.T.M. và H.T.T.L. ở thị trấn Trà Lồng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bị lường gạt bán sang Trung Quốc vào tụ điểm mại dâm. Khi được về nước, chị T.M. muốn ở lại địa phương nuôi con (chị đã có con trước khi bị bán sang Trung Quốc) và có số vốn nho nhỏ để bán quán cà phê. Đáp ứng nguyện vọng đó, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với địa phương hỗ trợ vốn giúp chị T.M. mở quán nước tại nhà. Còn em T.L. đang ở tuổi vị thành niên, nên Hội LHPN tỉnh đã tư vấn em vào Trung tâm AAT tại Cần Thơ để học nghề. Nhưng chỉ được một thời gian, T.L. lại bỏ trung tâm trở về nhà vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hội LHPN tỉnh cùng với Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh tranh thủ Bộ Tư pháp hỗ trợ hai chị em T.M. và T.L. gần 8 triệu đồng. Song song đó, Hội LHPN tỉnh đã xuống địa phương thuyết phục họ hàng của gia đình 2 em nhượng lại miếng đất mà gia đình 2 em đang mượn ở tạm với số tiền bằng nguồn vốn Bộ Tư pháp hỗ trợ. Vận động mạnh thường quân xây dựng cho gia đình 2 em mái ấm tình thương trị giá 15 triệu đồng.
 
Còn 2 em gái ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, chưa đến tuổi thành niên đã bị chính mẹ ruột của mình ép bán trinh và làm gái mại dâm. Biết được thông tin này, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Trung tâm AAT tại TP.Cần Thơ đến gia đình hai em nắm tình hình. Sau đó, cung cấp thông tin cho công an huyện Phụng Hiệp, công an quận Ninh Kiều kịp thời giải cứu hai em. Hiện tại, hai em đang lưu trú ở Trung tâm AAT tại TP.Cần Thơ. Đã học xong nghề uốn tóc và đang học lớp 11, học Anh văn tại Trường Việt Mỹ.
 
* Mang tính nhân văn sâu sắc
 
Dự án chỉ giới hạn hỗ trợ cho nạn nhân ở khu vực ĐBSCL, nhưng đã có được sự chung tay của cả một hệ thống: Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, các tổ chức quốc tế, phía công an, các cơ sở dạy nghề,... Nạn nhân ở khắp các tỉnh khu vực ĐBSCL được tập trung về Trung tâm AAT tại Cần Thơ để được trợ giúp. Trong giai đoạn I của dự án có 26 nạn nhân của TP.Cần Thơ, 9 nạn nhân của tỉnh Hậu Giang, 8 nạn nhân của Sóc Trăng, 7 nạn nhân của Kiên Giang và nạn nhân ở một số tỉnh khác trong khu vực được đưa đến trung tâm. Các nạn nhân được tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, học nghề đến việc giáo dục kỹ năng sống, hỗ trợ vốn làm kinh tế, tái hòa nhập cộng đồng.
 
Khi được giúp đỡ thoát khỏi nạn buôn bán người, các đối tượng đều bị tổn thương nhiều về tâm lý. Bà Huỳnh Thúy Trinh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Đa phần chị em rất mặc cảm, ít chịu tiếp xúc với những người xung quanh, có ý nghĩ bỏ xứ đi làm ăn xa. Để tạo được lòng tin của chị em, chúng tôi phải kiên trì, tiếp cận nhiều lần, sau đó phối hợp với trung tâm đến tham vấn chị em mới bộc bạch chia sẻ nỗi khổ của mình. Nhưng đa số chị em muốn làm việc kiếm tiền chứ không chịu vào trung tâm”. Tính đến nay, Hậu Giang có 31 nạn nhân bị buôn bán trong nước và ngoài nước, nhưng chỉ có 9 nạn nhân chịu vào trung tâm.
 
Không chỉ giúp đỡ lúc mới tiếp nhận nạn nhân mà tổ chức Hội LHPN các tỉnh, thành phố vẫn theo dõi, quan tâm cuộc sống của đối tượng sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Theo bà Nguyễn Hồng Xứng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kiên Giang, khi trở về địa phương, các nạn nhân đều tái hòa nhập được với cộng đồng, không bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Bà Xứng chia sẻ: “Chúng tôi chỉ đạo các đối tượng thuộc địa phương nào thì địa phương đó theo dõi, giúp đỡ để họ ổn định cuộc sống”. Tính từ năm 2008 đến nay, Hội LHPN tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với ngành công an, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng các ngành có liên quan đón nhận 37 nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài trở về. Trong đó, có nạn nhân về thông qua tiếp nhận và tự trở về.
 
Triển khai dự án giai đoạn II, Trung tâm AAT tại Cần Thơ đã tiếp nhận 64 nạn nhân vào cơ sở và hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho họ có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Hiện tại, có 50 nạn nhân đã hồi gia. Nhìn chung, mục tiêu của dự án trong giai đoạn này đã được thực hiện cơ bản, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nạn nhân bị buôn bán trở về ở khu vực ĐBSCL. Dự án có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với nhu cầu của xã hội.
 
Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí hỗ trợ nạn nhân sản xuất, kinh doanh sau khi hồi gia, nguồn nhân lực còn chưa chuyên nghiệp, cơ sở vật chất chưa đủ,... nhưng trước tình hình buôn bán phụ nữ và trẻ em vẫn còn tiềm ẩn, phức tạp, để tiếp tục giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, dự án sẽ được triển khai giai đoạn III từ ngày 1-6-2011 đến 31-5-2014. Với mục tiêu tổng quát nhằm góp phần thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ từ 2011-2015 về phòng chống tội phạm buôn bán người. Tiếp tục hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khó khăn ở khu vực ĐBSCL. Bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Hội LHPN TP.Cần Thơ, cho biết: “Ngoài mục tiêu tổng quát, chúng tôi cũng đề ra những mục tiêu cụ thể cho giai đoạn tới của dự án. Trước tiên là nâng cao năng lực, kỹ năng tiếp cận cho đội ngũ nhân viên xã hội. Tăng cường can thiệp và hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân, các đối tượng nguy cơ thông qua các biện pháp tiếp cận và tiếp nhận nạn nhân vào trung tâm. Trong giai đoạn III, trung tâm sẽ tiếp nhận khoảng 60 nạn nhân”.
 
Bà Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết sẽ tham mưu lồng ghép dự án chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn TP.Cần Thơ để tập trung các nguồn lực chia sẻ khó khăn của các nạn nhân ở khu vực ĐBSCL. Ban quản lý dự án cần chủ động phối hợp với các ngành liên quan để thực hiện dự án này. Hội LHPN các tỉnh ĐBSCL cần rà soát, quản lý lại những nhóm trẻ em bị xâm hại, nắm lại thông tin về các đối tượng này để có thông tin ngay từ ban đầu, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng, đưa công tác phòng ngừa lên trên hết. Tăng cường vận dụng các nguồn vốn của Chính phủ và các nguồn vốn của tổ chức hội, khai thác thêm các nguồn tài trợ vốn cho nạn nhân hòa nhập cộng đồng có việc làm, ổn định cuộc sống.
 
(Theo Hậu Giang online)

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

67509

Hôm nay:
9
Tháng này:
968
Tổng lượt truy cập:
67509