Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được công bố

00:00 - 02/01/2019

Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình mới được Bộ GD&ĐT công bố chiều 27/12.

Họp báo công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), Chương trình GDPT mới bao gồm Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Bộ GD&ĐT đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà giáo và xã hội để chỉnh sửa, hoàn thiện, thông qua dự thảo Chương trình tổng thể ngày 27/7/2017. Trong quá trình hoàn thiện, các chương trình môn học đã được thực nghiệm những điểm mới về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục.

Để thực hiện mục tiêu đổi mới, Chương trình GDPT mới vừa phải kế thừa và phát triển những ưu điểm của Chương trình GDPT hiện hành, vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình này. Những điểm cần khắc phục cũng chính là những khác biệt chủ yếu của chương trình mới so với chương trình hiện hành.

Theo đó, chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kì vọng.

Chương trình GDPT mới phân biệt rõ hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2).

Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).

Nội dung giáo dục cấp THCS bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương) và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).

Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).

Nội dung giáo dục cấp THPT gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương); 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2); 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).

Chương trình mới cũng chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng Chương trình tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này.

Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

Chương trình GDPT mới chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên”; được xây dựng theo hướng mở; nội dung giáo dục hướng nghiệp được thiết kế thành các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và doanh nghiệp, được thực hiện ở nhiều môn học khác nhau phù hợp với đặc thù của mỗi môn học.

Cùng với việc xây dựng Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT đã xây dựng đề án sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên và đổi mới chương trình đào tạo; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; xây dựng và ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; biên soạn tài liệu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục để thực hiện Chương trình GDPT mới; tích cực phối hợp với các địa phương rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện thành công chương trình.

Trong thời gian chưa thực hiện chương trình, SGK mới trên phạm vi toàn quốc, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở GDPT thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình GDPThiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lí quá trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Theo Báo Điện tử Chính phủ

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

67426

Hôm nay:
37
Tháng này:
885
Tổng lượt truy cập:
67426