Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Câu chuyện về một người “đặc biệt”

07:44 - 07/04/2013
Em là người tôi ngưỡng mộ, là một người “đặc biệt”, là những gì mà tôi cảm phục ngay từ ngày đầu được gặp em. Bài viết đạt giải Nhấtcuộc thi viết “Những tấm gương phụ nữ Việt Nam Tự tin - Tự trọng – Trung hậu - Đảm đang”
Em là ai? Tên gì? Bạn sẽ hỏi tôi điều đó. Tên em thật bình dị: Đỗ Thuý Hà, một cái tên rất Việt Nam như bao phụ nữ khác. Nhưng điều gì “đặc biệt” ở em khiến tôi và bao người khi biết em lại cảm phục?. Tôi và bạn có đôi mắt sáng, được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Còn em?. Hà Nội đã vào thu, trong chúng ta ai ai cũng có thể cảm nhận mùa thu qua sắc vàng của cúc, qua nắng hanh vàng trên phố. Với em, mùa thu và thoang thoảng hoa sữa, là cái se se lanh của gió heo may. Tôi sẽ kể cho bạn nghe về một cô gái bị mù hai mắt rất dịu dàng, xinh đẹp và tài năng.
Tôi gặp em lần đầu trong một hội thảo có tiêu đề: “Dịch vụ thông tin – thư viện dành cho người khiếm thị” do Bộ Văn hoá - Thể thao - Dịch vụ tổ chức. Hôm đó em là một trong những đại biểu đứng lên phát biểu ý kiến và có tham luận tại Hội thảo. Em không có cặp mắt sáng nhưng những gì em làm được đáng để cho những người sáng mắt chúng ta học tập và ngưỡng mộ.
Em Đỗ Thuý Hà năm nay 31 tuổi, hiện đang công tác tại Quận Hội người mù Đống Đa. Năm lên 6 tuổi, em vẫn đi học bình thường như các bạn cùng trang lứa. Nhưng rồi không hiểu từ đâu, đôi mắt của em bỗng dưng trở chứng, lúc đầu là những lớp sương mờ che phủ, rồi dần dần em không thể nhìn thấy được gì nữa. Bác sỹ bảo em bị mắc một căn bệnh rất hiếm gặp là thoái hoá võng mạc mắt từ khi còn đang trẻ. Căn bệnh biết đấy nhưng tất cả từ người thân đến bác sỹ đầu ngành cũng đành chịu bó tay. Mẹ em đã ôm em khóc hết nước mắt khi con gái hỏi: Mẹ ơi! mắt con làm sao thế? Tại sao lại thế này? Sao các bạn thì nhìn được, chơi đùa thoả thích, còn con thì lại phải ngồi trong nhà? Tất cả những câu hỏi dồn dập cứa vào nỗi đau người mẹ còn em mới 6 tuổi, làm sao em đã hiểu hết lòng mẹ. Giờ làm mẹ rồi, em mới thấm thía hết nỗi đau của người mẹ. Mẹ em đã phải nghỉ làm tại Nhà máy dệt mùa đông.
Lên 9 tuổi, em đi học dự bị tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Bắt đầu từ đây, em lập được rất nhiều thành tích. 12 năm học phổ thông, em liên tục đạt học sinh giỏi xuất sắc. Năm lớp 9, điểm tổng kết các môn đều là 9.0, riêng tiếng Anh là 10. Cũng trong năm học này, năm học (1999-2000), trong cuộc thi OLIMPIC tiếng Anh toàn miền Bắc do UNESCO tổ chức, em đạt giải Ba giữa các bạn đoạt giải đều sáng mắt. Thi vào cấp 3, em đạt điểm đỗ và toàn những trường chuyên công lập rất khó như: Amsterdam, các trường chuyên tại các trường đại học. Nhưng không một trường nào nhận em vào vì họ không dạy được người khiếm thị. Em buồn nhưng nỗi buồn cũng qua đi nhanh chóng khi bên cạnh em có những người thầy giáo tuyệt vời, chia sẻ khó khăn với em, quý mến em như con ruột. Thầy Ngọc, một thầy giáo của em ở trường Nguyễn Đình Chiểu đang dạy ở trường cấp 3 Đông Nam Á nhận em về học với thầy. Thầy Nguyễn Như Thạch, Hiệu trưởng trường cấp 3 Nguyễn Đình Chiểu đã nhận em về học miễn phí. Năm 2001, em đạt giải: “Nữ sinh Việt Nam” uy tín và tiêu chuẩn khắt khe, duy nhất có em là người khiếm thị, được tiếp kiến nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Em đỗ khoa tiếng Anh trường Đại học Mở. Năm 2005, học xong năm thứ nhất, em thấy trên mạng có học bổng về “kỹ năng lãnh đạo” của Nhật dành cho những người khuyết tật châu Á – Thái Bình Dương, em đăng ký dự thi. Vượt qua 350 thí sinh của các nước châu Á khác và 3 vòng thi, em là một trong 7 thí sinh trúng học bổng 1 năm học bổng toàn phần tại Nhật. Đây là học bổng yêu cầu, đòi hỏi rất cao về trình độ. Ngoài khả năng tiếng Anh xuất sắc, thí sinh tham dự thi phải có một trình độ tư duy, lý luận sắc sảo, nhạy bén để trả lời, xử lý trực tiếp những tình huống khó khăn mà giám khảo đưa ra. Sang Nhật, trong vòng một ngày em đã làm quen được với phòng của mình và tự nấu nướng, không có một người nào trợ giúp. Đây cũng là một trong những thử thách và Ban Tổ chức đưa ra cho các thí sinh khuyết tật.
Tôi thực sự ngạc nhiên và khâm phục một thử thách nữa mà em Hà chinh phục nước Nhật. Đó là trong 3 tháng đầu em phải làm quen với tiếng Nhật để tiếp thu được bài giảng trong khóa học. Trong 3 tháng, học tiếng Nhật qua tiếng Anh và hoàn thành xuất sắc khoá học tại Nhật Bản với tiếng Nhật lưu loát. Quãng đường từ nhà em đến trường ở Nhật phải qua 2 chặng tàu điện ngầm, em với cây gậy trong tay đã tự mình đi học. Khi tốt nghiệp, mỗi người chọn một chủ đề để viết dự án, cách xử lý một bài phát biểu, định hướng tương lai, trả bài phải đúng thời hạn qua phần mềm vi tính tiếng Anh và tiếng Nhật, bài làm của em đạt xuất sắc.
Em có một khả năng ghi nhớ mọi thứ và giọng nói của mọi người rất tốt, khả năng ghi nhớ giọng nói của em giống như chúng ta ghi nhớ từng khuôn mặt người. Tôi gặp em cách đây hơn 4 năm, do bận công việc bẵng đi không hề liên lạc hoặc gọi điện, lúc này đây, khi tham gia dự thi viết về chân dung phụ nữ Việt Nam, tôi nghĩ ngay đến em và tìm gặp. Khi tôi vừa cất tiếng gọi là em đã chào tôi bằng cả tên đệm và nói ngay nơi công tác chính xác trong sự ngạc nhiên, ngờ của tôi.
Em đã tham gia hội thảo: “Những khó khăn của sinh viên khiếm thị” (2007), “Dịch vụ thông tin thư viện dành cho người khiếm thị” (2008), “Việc làm cho người khuyết tật”(2009 tại Nhật). Bây giờ, ngoài 8 tiếng làm việc tại cơ quan Quận Hội người Mù Đống Đa, vào các buổi tối và thứ 7, chủ nhật, em dạy thêm tiếng Anh và tiếng Nhật cho cả người sáng mắt, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Em đã đọc và nghe rất nhiều tác phẩm văn học trong và ngoài nước như: Chiến tranh và hoà bình, Trà hoa nữ, Cánh buồm đỏ thắm, Túp lều bác Tôm, Thời xa vắng, Phố, đặc biệt thích là văn học Nga, thơ Puskin,… Những bài hát Nga: Triệu bông hồng, Ca chiusa, chiều Matcơva, Đôi bờ, Nụ cười… là những bài hát yêu thích của em.
Một sự kiện lớn lao và đặc biệt có ý nghĩa trong cuộc đời em là lập gia đình vào tháng 2.2011. Sinh con trai xong, em đã tự mình nuôi con mà không thuê người trông trẻ. Bây giờ cháu đã được 1 tuổi thì em trở lại đi làm. Chồng em công tác trong ngành bưu điện, rất mực yêu thương em. Tổ ấm của em thật hạnh phúc. Tôi chúc mừng em, bạn bè chúc mừng em. Các bạn quốc tế học cùng với em chúc mừng, đặc biệt là những người bạn Nhật họ đã bay sang dự đám cưới của em.
Sống trung hậu với mọi người từ hàng xóm, người thân, đồng nghiệp đến bạn bè quốc tế. Đảm đang với cuộc sống của mình, hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan, nuôi con khoẻ mạnh, ngoan ngoãn, giúp đỡ cả những người sáng mắt, sống có ích trong xã hội và cộng đồng. Em là huyền thoại ở trong tôi. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, tư duy sắc sảo của em, tôi tin em còn gặt hái nhiều thành công ở phía trước. Tấm bằng cao học có lẽ sẽ là đỉnh núi phía trước em chinh phục.
Có một nguồn sống vô tận ở trong em, một nguồn sống mà trong bóng tối em đã vươn lên và còn vươn lên mãi nữa trong tương lai. Chúc em có một tương lai “tràn đầy ánh sáng” gặt hái ở thành công phía trước, “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi, để ta khắc tên mình trên đời…”, “Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội. Hãy sống như đồi núi, vươn tới những tầm cao. Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ biển rộng. Hãy sống như vướng vọng để thấy đời mênh mông…”.
Lương Hoa Phương, Nhà Văn hóa Cục chính trị, Bộ Tư lệnh

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69628

Hôm nay:
2
Tháng này:
165
Tổng lượt truy cập:
69628