Trong vòng 3 năm trở lại đây, có không ít trường hợp phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người Hàn Quốc (thông qua các công ty môi giới) bị gia đình chồng đối xử tệ bạc dẫn đến ly hôn, thậm chí đã có những cái chết thương tâm… Thế nhưng, thực tế ấy vẫn không làm những cô gái ôm giấc mộng “lấy chồng ngoại đổi đời” nản lòng… Tại hội thảo “Tình hình phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người Hàn Quốc” do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Cần Thơ tổ chức ngày 10-3 vừa qua, nhiều đại biểu đã nêu nhiều giải pháp, nhằm trang bị kiến thức cơ bản cho các cô dâu Việt Nam trước khi kết hôn với người Hàn Quốc:
* Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Để giảm bớt rủi ro tình trạng phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người nước ngoài, các ban ngành, đoàn thể trong thành phố cần tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý hôn nhân có yếu tố nước ngoài theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Thành ủy. Các cấp Hội LHPN tập trung tuyên truyền, nâng cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục con cái nếp sống và gia phong. Các ban ngành, đoàn thể thành phố cần cung cấp đầy đủ những thông tin chính xác về người chồng tương lai, gia cảnh người chồng, địa phương mà cô dâu Việt Nam sẽ đến sinh sống, giúp chị em và gia đình quyết định lấy chồng ở đâu cho phù hợp. Trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng nội trợ, phong tục tập quán, ngôn ngữ của đất nước mà phụ nữ đến làm dâu. Đây là tiền đề giúp các cô dâu Việt Nam vượt qua rào cản ngôn ngữ, khả năng ứng phó..., dần hội nhập vào cuộc sống gia đình chồng ở nước ngoài.
Để đạt được mục đích này, không chỉ những cô dâu Việt Nam mà cả chú rể (ở nước ngoài) cần có sự hợp tác cả hai phía cùng nhau xây dựng gia đình đúng nghĩa. Trước hết, vẫn là công tác tuyên truyền, giúp chị em và gia đình hiểu, có suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định lấy chồng nước ngoài, để xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững...
* Ông Lê Phát Thanh, Trưởng phòng Hành chính - Tư pháp - Sở Tư pháp TP Cần Thơ: XỬ LÝ NGHIÊM TỔ CHỨC, CÁ NHÂN MÔI GIỚI, TẬP HỢP PHỤ NỮ ĐỂ KẾT HÔN VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Tình trạng phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người nước ngoài diễn biến phức tạp, từ năm 2005 đến nay, Sở Tư pháp Cần Thơ tiếp nhận hơn 8.000 phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người Hàn Quốc và làm thủ tục ghi chú việc kết hôn. Riêng năm 2010, có 433 trường hợp phụ nữ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài và 1.364 trường hợp ghi chú kết hôn, chủ yếu là người Hàn Quốc. Đa phần phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài đều có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp, nghề nghiệp không ổn định, do đó dễ bị đối tượng môi giới lợi dụng, lừa gạt.
Pháp luật Việt Nam quy định khá đầy đủ về vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm bất cập như: việc giúp đỡ các trường hợp bị bạo hành, ngược đãi còn hạn chế do chưa có quy định bảo hộ cho phụ nữ Việt Nam sau khi kết hôn định cư tại nước ngoài... Một số quy định của pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài còn chưa rõ như: vi phạm thuần phong, mỹ tục, phong tục tập quán của người Việt Nam, các trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với công dân nước ngoài bị khuyết tật... chưa được quy định cụ thể. Vấn đề này, Sở tư pháp Cần Thơ đã kiến nghị Bộ Tư pháp sớm có hướng dẫn chi tiết.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là trách nhiệm của toàn xã hội. Do vậy, chính quyền địa phương cần quan tâm kiểm tra và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, tập hợp phụ nữ để kết hôn với người nước ngoài, nhằm mục đích trục lợi.
* Bà Dương Thị Thu Hà, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Cần Thơ: QUAN TÂM DẠY NGHỀ, TẠO VIỆC LÀM CHO PHỤ NỮ NÔNG THÔN
Từ năm 2008 đến nay, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ thụ lý trên 100 vụ ly hôn, trong đó có 65% vụ ly hôn mà một bên là người Hàn Quốc hoặc Đài Loan, trong số này 99% nguyên đơn là phụ nữ Việt Nam. Hầu hết các đám cưới được tổ chức tập thể tại TP Hồ Chí Minh, cả cô dâu và chú rể chưa quen biết nhau, thủ tục ngắn gọn.
Các mâu thuẫn đưa ra để xin ly hôn là do chưa hiểu nhau, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán xa lạ, chênh lệch tuổi tác... Ngoài ra còn một số nguyên nhân do chồng nhậu nhẹt bê tha, đánh đập, ngược đãi, buộc người vợ phải bỏ trốn về Việt Nam. Nhiều trường hợp khi đã ly hôn tại tòa án nước ngoài (đã hợp thức hóa lãnh sự) hoặc có mang bản ghi chú hộ tịch của chồng là đã ly hôn. Có trường hợp khi mâu thuẫn với chồng và gia đình chồng, cô dâu Việt Nam bỏ về quê mà không mang giấy tờ gì, kể cả giấy đăng ký kết hôn (ĐKKH), khiến tòa án Việt Nam giải quyết rất khó khăn. Nhiều trường hợp phụ nữ Cần Thơ từ nước ngoài trở về xin ly hôn chỉ có chứng nhận ĐKKH và khai địa chỉ của chồng theo giấy ĐKKH, nhưng thực tế, địa chỉ đó thay đổi, do đó việc liên hệ để biết địa chỉ hiện tại của người nam và yêu cầu họ có ý kiến, tòa án Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đương sự phải tốn chi phí rất cao cho việc dịch thuật tài liệu, ý kiến của nước ngoài cũng như chi phí để sang nước ngoài làm các thủ tục... Do vậy, khi tòa án nhận hồ sơ và giải thích các yêu cầu của tòa, rất nhiều trường hợp không đáp ứng được, tòa không thể thụ lý hồ sơ.
Để hạn chế những rủi ro không như mong muốn của những cô dâu Việt Nam, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ kiến nghị nhà nước cần sớm ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước mà công dân Việt Nam tham gia nhiều vào các quan hệ xã hội. Tòa án nhân dân Tối cao và các cơ quan có liên quan ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng pháp luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự nói chung và cụ thể là trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần quân tâm dạy nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn. Có việc làm, thu nhập ổn định sẽ góp phần giảm tình trạng một số phụ nữ muốn lấy chồng ngoại quốc để đổi đời...
* Bà Huỳnh Thanh Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ: NGĂN CHẶN MÔI GIỚI KẾT HÔN GIẢ
Gần đây, phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người Hàn Quốc tăng nhanh là do thủ tục kết hôn dễ dàng hơn so với các nước khác. Có những cuộc hôn nhân không được xây dựng trên tình yêu chân chính, mà vì kinh tế gia đình khó khăn, hy vọng lấy chồng ngoại quốc để đổi đời, có điều kiện giúp đỡ gia đình... không ít cô gái mù quáng, nghe theo những người môi giới vẽ vời mà chấp nhận kết hôn. Có trường hợp kết hôn giả tạo, người chồng ngoại quốc lợi dụng việc kết hôn nhằm thực hiện những việc làm bất chính xâm phạm danh dự nhân phẩm cô dâu Việt Nam. Thời gian qua đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm nơi đất khách quê người. Thế nhưng, thực tế phũ phàng đó vẫn không làm một bộ phận phụ nữ Cần Thơ nhận ra.
Đó là chưa kể những cô dâu làm thủ tục đăng ký kết hôn tại quê nhà Việt Nam, nhưng người chồng nước ngoài không làm thủ tục bảo lãnh đi theo chồng, hoặc các buổi phỏng vấn không đạt yêu cầu, họ không được chấp nhận đi theo chồng, người chồng không liên lạc và cũng không trở lại Việt Nam... Những trường hợp này vẫn chưa có giải pháp để giúp các chị làm thủ tục xin ly hôn. Có chị khi kết hôn lần sau tại Việt Nam thì không được đăng ký kết hôn, khi sinh con không làm được khai sinh.
Trước những nguy cơ trên, ngành chức năng cần có biện pháp ngăn chặn môi giới kết hôn giả, bảo vệ cô dâu Việt Nam tránh tình trạng kết hôn với công dân nước ngoài thiếu khả năng tài chính. Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài TP Cần Thơ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các thủ tục kết hôn và ly hôn với công dân Hàn Quốc. Đặc biệt những cô dâu Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, nhưng khi muốn làm thủ tục ly hôn thì cơ quan nào bên Hàn Quốc sẽ giúp cô dâu Việt Nam làm thủ tục liên hệ để có ý kiến của chú rể ở nước ngoài.