Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Cần mẫn xây tổ ấm

12:04 - 31/03/2015

Gia đình vợ chồng anh Hứa Công Nhất và chị Trương Tố Nga ở khu vực Thới Thạnh 2, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) trước đây thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn. Chồng làm nghề thu mua trứng vịt thuê, vợ ở nhà nội trợ và chăm sóc con nhỏ. Hơn 3 năm nay, nhờ cần mẫn, vượt khó và chí thú làm ăn, anh chị đã mở được cơ sở ấp trứng vịt, phát triển kinh tế gia đình. Cuộc sống gia đình ngày một ổn định, vợ chồng anh Nhất chị Nga có điều kiện tốt hơn để chăm lo cho hai con ăn học.

 

41 tuổi đời nhưng anh Nhất đã có thâm niên 24 năm trong nghề thu mua và ấp trứng vịt. Anh có mặt gần khắp các cánh đồng từ Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đến Năng Gù (tỉnh An Giang) để thu mua trứng vịt thuê cho chủ. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và tích lũy được một số vốn, cộng thêm họ hàng, người thân cho mượn, vợ chồng anh Nhất quyết định ra làm riêng 3 năm nay.

 

Ban đầu, vợ chồng anh Nhất cho ấp vịt bằng phương pháp thủ công, rất nhọc công. Từ khi gia đình mua được máy ấp, sử dụng rờ-le tự động, năng suất cao hơn mà cũng đỡ vất vả hơn. Anh Nhất bộc bạch: "Nghề này mới nhìn ai cũng tưởng dễ nhưng thật ra rất "kén người". Bởi ngoài đòi hỏi người thợ giàu kinh nghiệm thì cần lắm sự kiên trì, chịu khó. Không chỉ rong ruổi ngoài đồng nắng cháy da để thu mua trứng, hay đến các chợ để bỏ mối mà đêm đêm còn phải thức đến 11- 12 giờ khuya để lựa trứng…". Theo anh Nhất, để phân biệt được trứng vịt lạt và trứng "có trống" (để ấp thành trứng lộn), chủ yếu dựa vào kinh nghiệm "soi trứng" bằng mắt thường. Sở dĩ anh chị thành công với công việc này là do có kinh nghiệm lâu năm và nhờ nhân công nhà nên đỡ thất thoát.

Nhờ vợ chồng đồng tâm hiệp lực, chị Trương Tố Nga và anh Hứa Công Nhất đã vượt khó, phát triển kinh tế gia đình.

 

Trước đây, khi chưa mua được máy ấp, tất cả các công đoạn anh chị đều phải làm thủ công. Mỗi ngày, vợ chồng thay phiên nhau trở trộn 2 lần, mồ hôi nhễ nhại, toàn thân ê ẩm nhưng vẫn động viên nhau cố gắng. Hiện tại, cứ cách ngày, cơ sở của anh chị thu mua từ 8.000 đến 10.000 trứng vịt. Sau khi tuyển lựa số trứng vịt lạt bán hằng ngày, phần lớn số trứng còn lại anh chị cho ấp thành trứng lộn để bán. Bình quân mỗi ngày trừ chi phí, anh chị vẫn còn lời khoảng 1 triệu đồng. Tuy buôn bán trứng với số lượng lớn, với những mối làm ăn lớn nhưng anh chị vẫn không bỏ qua các mối nhỏ lẻ ở chợ. Anh Nhất chia sẻ: "Bán lẻ tuy cực hơn, phải chạy tới chạy lui nhiều lần vào các chợ nhỏ, đường xa nhưng bù lại có lời nhiều hơn. Nhờ vậy, tôi mới có điều kiện chăm lo cho con chu đáo hơn".

 

Chị Nga bộc bạch: "Để giúp tôi phát triển mô hình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường đã giới thiệu tôi vay vốn Ngân hàng Đông Á được 15 triệu đồng, theo hình thức trả dần hằng tuần với mức 375.000 đồng, cũng rất thuận lợi. Tuy nhiên, theo tôi nguồn vốn như vậy hơi ít, bởi chúng tôi mua trứng của nông dân bằng tiền mặt, có khi cho họ mượn trước để mua thức ăn; trong khi bỏ mối cho các tiểu thương ở chợ đôi khi cũng cần "gối đầu" để giữ mối".

 

Không chỉ gặp khó khăn về kinh tế, trước đây, con gái út của chị Nga mới sinh ra bị bệnh, việc chăm sóc rất vất vả. Thời điểm đó, chị Nga chỉ ở nhà lo việc nội trợ và chăm sóc con, mọi chi phí sinh hoạt gia đình đều do một mình chồng chị gánh vác. Tuy công việc chính của hai vợ chồng là buôn bán trứng vịt nhưng hễ ngơi tay là chị Nga lại tranh thủ nhận đồ may tại nhà, kiếm thêm thu nhập. Chị Nga chia sẻ: "Con cái ngày một lớn, chi phí học tập ngày một nhiều nên vợ chồng tôi tranh thủ kiếm thêm đồng nào đỡ đồng đó. Để tạo điều kiện cho con gái lớn thi Olympic tiếng Anh trên mạng, vợ chồng tôi vừa sắm cho con chiếc laptop. Chúng tôi dù có vất vả thế nào cũng quyết tâm cho con cái ăn học đến nơi đến chốn".

 

Nhắc đến vợ chồng anh Nhất - chị Nga, chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, Chi hội trưởng Phụ nữ khu vực Thới Thạnh 2, phường Thới Thuận, tấm tắc khen: "Vợ chồng chị Nga đồng lòng vượt khó, chí thú làm ăn, sử dụng đồng vốn vay hiệu quả để phát triển mô hình kinh tế gia đình. Từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn nay đã vươn lên ổn định cuộc sống, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học đàng hoàng, xây dựng gia đình hạnh phúc. Không chỉ tích cực chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Nga còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào công tác Hội của địa phương, xứng đáng để chị em học tập, noi gương".

 

Theo Bài, ảnh: QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

72592

Hôm nay:
1
Tháng này:
1
Tổng lượt truy cập:
72592