Yêu lao động, giàu nghị lực vượt khó và luôn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống tươi đẹp... là cảm nhận của chúng tôi về chị Võ Thị Kim Thoa, hội viên Chi hội Phụ nữ khu vực Bắc Vàng, phường Thới Long, quận Ô Môn. Năm 2014, chị Thoa vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tặng Giấy khen nhân dịp sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị về "tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"…
17 tuổi chị Thoa lập gia đình. Chồng chị hơn vợ 2 tuổi. Anh chị được gia đình hai bên cho vỏn vẹn 1 công đất ruộng để canh tác. Tuổi còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất, đất ruộng lại trũng thấp, nên thường xuyên bị mất mùa, từ đó cuộc sống gia đình anh chị luôn túng thiếu. 18 tuổi chị Thoa đã làm mẹ, gia cảnh càng khó khăn chồng chất. Có lúc quá túng quẫn, vợ chồng anh chị phải cầm cố công đất – tài sản duy nhất của gia đình. Để vượt qua khó khăn, những lúc nông nhàn, anh chị đi làm mướn để kiếm thêm thu nhập. Chị Thoa còn nhớ như in, có một khoảng thời gian chừng 5 năm, anh chị đi làm mướn ở lò gạch. Công việc khá vất vả đối với một người phụ nữ, nhưng chị Thoa không quản ngại gian lao. Vợ chồng chị đi làm từ lúc gà chưa gáy sáng đến tối mịt mới về nhà. Số tiền công chị Thoa gói ghém để lo cơm nước, sách vở cho con đi học. Mặt khác, chị cũng tích lũy tiền mua cặp heo về nuôi.
Nghề chăn nuôi heo đã giúp gia đình chị Thoa vượt khó, vươn lên khấm khá
Tuy vậy, ngay lần nuôi heo đầu tiên, chị đã gặp thất bại. Do thiếu kinh nghiệm nên 1 trong 2 con heo chết khi gần đến ngày sinh sản. Chị tâm sự: "Dù thất bại nhưng tôi không nản lòng. Ông bà ta thường dạy "cái khó ló cái khôn", "thua keo này ta bày keo khác" nên tôi luôn cố gắng". Trong suốt buổi trò chuyện, giọng điệu chị Thoa lúc nào cũng phấn khởi khiến chúng tôi cũng vui lây trước tinh thần lạc quan của chị. Chị bảo, nói vậy chứ ngay thời điểm thất bại, chị phải trả nợ mất mấy năm. Có khi đi làm về mệt mà trong lu không còn hột gạo, phải đi mượn gạo lối xóm để nấu cơm. Cũng chính trong thời gian này, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường hỗ trợ vay vốn 2,5 triệu đồng để gầy dựng lại "cơ nghiệp" nuôi heo. Vợ chồng chị chịu khó đọc báo, xem đài đồng thời tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do địa phương tổ chức để đúc kết kinh nghiệm. Nhờ vậy, việc chăn nuôi dần dần ổn định và phát triển, chị có thêm vốn liếng để đầu tư xây dựng chuồng trại rộng rãi.
Khoảng 3 năm trở lại ở lại đây, kinh tế gia đình chị Thoa dần khấm khá. Chị cho biết, 3 hôm trước chị mới xuất chuồng khoảng 1 tấn heo hơi. Trong chuồng heo nhà chị hiện đang có gần 30 con heo nái và 70 con heo con, heo thịt. Từ việc nuôi heo, trung bình mỗi năm trừ chi phí chị Thoa lời khoảng 60 triệu đồng. Với số tiền tích lũy được, chị Thoa vừa cất căn nhà tường khang trang trị giá hơn 120 triệu đồng thay cho mái lá cũ. Hỏi về kinh nghiệm nuôi heo đạt lợi nhuận cao, chị chia sẻ, với số heo hiện tại trong chuồng, mỗi ngày, nếu cho ăn bằng thức ăn công nghiệp tốn khoảng 4 triệu đồng. Để tiết kiệm, chị cho heo ăn 1 phần thức ăn công nghiệp và 1 phần tấm gạo nấu. Nhờ vậy, mỗi ngày, chi phí thức ăn cho heo giảm còn khoảng 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, do nhà xa, đường đi khó, nếu mua thức ăn qua trung gian vận chuyển tận nhà, chi phí sẽ cao, nên ông xã chị đã đến tận đại lý thức ăn gia súc cách nhà hơn 20km để mua và tự chở thức ăn cho heo về nhà. Mặt khác, chị tìm mua củi ớt, tận dụng tối đa vật liệu xung quanh để làm chất đốt nấu tấm, tiết kiệm chi phí.
Tuy đầu tắt mặt tối với công việc, nhưng chị Thoa luôn chú tâm bảo ban con cái học hành. Chị kể, con gái lớn của chị năm nay đã được 18 tuổi, vừa tốt nghiệp THPT và dự định thi vào ngành hướng dẫn viên du lịch. Con trai út của chị được 8 tuổi, đang học lớp 2. Cả hai con chị đều chăm ngoan, biết phụ giúp mẹ công việc nhà. Chị bảo, có được thành quả hôm nay, vợ chồng chị đã đổ nhiều mồ hôi và công sức. Dù vất vả, nhưng chị luôn tin tưởng vào cuộc tốt đẹp và cần cù lao động, bởi với chị "có sức người sỏi đá cũng thành cơm"…
Bài, ảnh: Tâm Khoa
Nguồn: Báo Cần Thơ