Những nỗ lực, cố gắng của chị Sa Thị Bình Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Hòa Bình đã được chứng minh sinh động trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Người nông dân đã thuộc bài, biết cách lựa chọn, lai tạo giống lúa, biết ứng dụng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp mang lại hiệu quả sản xuất trong trồng trọt. Từ xã Hạ Bì, Trung Bì, Sao Báy, Lập Chiệng (huyện Kim Bôi) đến Liên Vũ, Xuất Hóa, Nhân Nghĩa, Văn Nghĩa, Tân Lập (huyện Lạc Sơn)… nông dân đã có thể chủ động về nguồn giống lúa địa phương. Đặc biệt, 2 giống lúa MĐ1, MĐ25 do nông dân tự lai tạo, có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh kháng rầy, đạo ôn, khô vằn, phù hợp với sản xuất địa phương, giảm sử dụng thuốc BVTV, năng suất ổn định từ 55-60tạ/ha. Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã cung cấp được 30% giống lúa cho địa phương. Quy trình sản xuất giống lúa mới MĐ1, MĐ25 đã chính thức đưa vào cơ cấu giống cây trồng của Hòa Bình thực hiện hàng vụ để phục vụ sản xuất tại 11/11 huyện, thành phố.
Chị Minh tâm sự, nông nghiệp như cơ duyên sắp đặt từ lâu cho cuộc đời chị. Chị tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp II năm 23 tuổi. Rất nhiều cơ hội ở lại thành phố nhưng chị vẫn quyết tâm về với Hòa Bình, công tác ở một đơn vị làm nhiệm vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật, chỉ đạo sản xuất ở huyện vùng cao Đà Bắc. Huyện này có tới hai mươi mấy xã, trong đó có tới 2/3 là xã vùng hồ, địa hình chia cắt, núi rừng mịt mùng, không chủ động tưới tiêu, nhất là tập quán sản xuất xưa cũ, lạc hậu của người nông dân còn phổ biến là những rào cản lớn đối với những kỹ sư trẻ hành trang chỉ có kiến thức trên giảng đường. Chị nhớ những ngày đầu đi hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho bà con, nhiều lão nông cho rằng: “Tôi làm ruộng cả đời đâu cần phải học ai”. Chị đã kiên trì vận động, thuyết phục bà con, có kinh nghiệm cộng với áp dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Chân lý có vẻ đơn giản như vậy nhưng là cả chục năm chị phải lội bộ, đi xe đạp vượt rừng đến các xã vùng cao tuyên truyền, vận động, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn người dân bỏ cây lúa nương trồng lúa nước, đưa thêm giống ngô, lúa, lạc mới. Chính trong thực tiễn vận động, chỉ đạo sản xuất, chị đã tự tin trước đám đông, phát huy năng lực chỉ đạo, tổ chức cộng đồng sau này và được tham gia công tác công đoàn, phụ nữ. Năm 2001, chị chuyển công tác về Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Hòa Bình. Từ đây, chị có nhiều điều kiện phát huy năng lực chuyên môn, đóng góp tích cực cho sản xuất nông nghiệp Hòa Bình.
Nông dân trong tỉnh biết đến chị nhiều hơn khi chị cùng đồng nghiệp thực hiện chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây lúa, rau, ngô (1993-2003) và Chương trình bảo tồn gene thực vật (2001-2010). Chị đã hướng dẫn nông dân nhiều xã về công tác dự tính, dự báo sâu bệnh, thực hiện kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thuần thục. Năm 1996, chị cùng với đội Hòa Bình tham gia cuộc thi “Thanh niên với IPM” đã đạt giải Nhì toàn quốc. Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Chương trình bảo tồn gene thực vật, thông qua các nghiên cứu khoa học ngoài đồng ruộng, chị cùng nông dân xóm Mớ Đá, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi chọn thành công 2 giống lúa MĐ1, MĐ25. Năm 2008, 2 giống lúa được Bộ NN&PTNT bảo hộ cấp Nhà nước. Năm 2009 được quyết định cho khảo nghiệm, sản xuất thử để công nhận chính thức giống lúa mới trong danh mục giống Quốc gia.
Đặc biệt, thông qua các chương trình tập huấn, người nông dân đã tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thuần thục kỹ năng lai tạo, lựa chọn, phục tráng giống lúa, có thể tự sản xuất được giống lúa, có thể tự sản xuất được giống lúa tốt tại chỗ để chủ động thời vụ, không bị lệ thuộc vào nguồn giống bên ngoài. Đó là lý do công trình sáng tạo kỹ thuật “Kết quả chọn tạo, khảo nghiệm và sản xuất thử 2 giống lúa mới MĐ1, MĐ25 tại tỉnh Hòa Bình” do chị làm chủ nhiệm đã đạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo tỉnh Hòa Bình lần thứ 2 (2010-2011); giải Ba Hội thi Sáng tạo toàn quốc lần thứ 11 và nhận được biểu trưng vàng Việt Nam do đích thân Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng.
30 năm công tác trong lĩnh vực nông nghiệp, những đóng góp của chị đã được ghi nhận bằng nhiều bằng khen các cấp nhưng phần thưởng lớn nhất mà chị nhận được là đi tới đâu trên địa bàn tỉnh người nông dân cũng dành cho những tình cảm yêu thương, trân trọng.
Bài dự thi những tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu đảm đang đăng trên Báo Phụ nữ Việt Nam số 02 ra ngày 04/01/2013 (HM)
Theo trang Web TW Hội