Nhằm thiết thực giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, năm 2016, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều hưởng ứng mô hình “Vận động phụ nữ duy trì nghề bánh dân gian truyền thống, phát triển kinh tế gia đình”do Hội LHPN quận Ninh Kiều phát động. Đến nay, Hội LHPN phường đã thành lập được Tổ bánh dân gian, thu hút 26 thành viên là hội viên phụ nữ mua bán trên địa bàn tham gia. Qua đó từng bước hỗ trợ, tạo điều kiện cho chị em phát huy tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình bền vững.
Hơn 10 năm qua, quán bánh xèo, bánh khọt của chị Khưu Thị Dung, Chi hội trưởng Phụ nữ khu vực 2, phường Xuân Khánh trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều khách hàng gần xa. Chị Dung chia sẻ: “Tuy là bán khuất trong sân nhà nhưng những khách quen đến ăn rất đông nhờ hương vị truyền thống, giá cả bình dân. Tham gia tổ, tôi được hội LHPN quận hỗ trợ tủ kiếng để trưng bày bán bánh vừa trông bắt mắt, vừa hợp vệ sinh.
Ngoài ra, tôi còn được Hội giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ phát triển cộng đồng, để có điều kiện xoay xở vốn mua bán, phát triển kinh tế gia đình”. Cũng theo chị Dung, nhờ được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, trả nợ phân kỳ thuận lợi, nên nhiều chị em làm nghề mua bán rất phấn khởi, gắn bó hơn với tổ chức Hội. Không chỉ chuyên làm bánh xèo, bánh khọt, mỗi ngày chị dung còn làm thêm các loại gỏi cuốn, chuối chiên, khoai lang chiên để bán kèm. Mỗi ngày trừ chi phí, chị cũng lời khoảng 200 ngàn đồng, trang trải cuộc sống gia đình.
Còn cô Nguyễn Thị Nguyệt, ở khu vực 2 đã gắn bó với nghề làm bánh lọt, tàu hủ, sữa đậu nành gần 40 năm qua. Hằng ngày, cô Nguyệt thức dậy từ 2-3 giờ sáng để chuẩn bị các công đoạn làm bánh, đến lúc làm xong khoảng 6 giờ sáng thì gánh ra đầu hẻm bán đến trưa. Công việc bận rộn, vất vả là vậy nhưng hôm nào nghỉ bán một bữa là cô rất buồn, không vì mất đi một khoản thu nhập mà vì đây là nghề truyền thống xưa nay của ông bà truyền lại. Không chỉ cô Nguyệt mà 4-5 người chị em bạn dâu của cô sống gần đó cũng duy trì nghề bán bánh lọt, tàu hủ tại những địa điểm khác nhau. Cô Nguyệt bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, nhưng cũng nhờ gánh bánh lọt, tàu hủ này mà ổn định cuộc sống. Tham gia vào tổ, tôi còn được chị em hỗ trợ vay vốn để mua nguyên liệu làm bánh và làm vốn để ông xã phát triển việc làm nhang, tăng thu nhập gia đình”. Tương tự, cũng nhờ được vận động tham gia Tổ bánh dân gian, từ là một hộ nghèo, cô Nguyễn Thị Kim Hồng, ở khu vực 1 đã từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Cô Hồng chia sẻ: “Tôi làm nghề bánh đúc, bánh lọt, sương sa cũng trên 30 năm nay. Trước đây có lúc buôn bán ế ẩm, chuyển sang nghề khác nên gián đoạn, nhưng sau một thời gian lại nhớ nghề và quya về tiếp tục với nghề cũ”.
Theo chị Nguyễn Thiên Nga, Chủ tịch Hội LHPN phường Xuân Khánh, đến nay Tổ bánh dân gian có 26 chị em tham gia, làm nhiều loại bánh phong phú, như: bánh xèo, bánh khọt, bánh đúc, bánh ít, bánh tét, bông lan… Trong đó có 16 chị em có lò làm bánh trực tiếp tại nhà, 10 chị mua đi bán lại. Đến nay, có 11 chị em được hỡ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. “Mô hình nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên phụ nữ về duy trì nghề bánh dân gian truyền thống, phát huy vai trò của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đây không chỉ là một hình thức tập hợp, tạo điều kiện để hỗ trợ vay vốn, giúp chị em giao lưu, trao đổi kinh nghiệm mua bán mà còn lồng ghép tuyên truyền chị em đăng ký mua bán không lấn chiếm lồng lề đường, đảm bảo an toàn giao thông, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…”- chị Nga nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Tuệ Anh