Chăm sóc, đùa giỡn với thú cưng mỗi ngày mang lại nhiều niềm vui, chẳng hạn giúp giải tỏa căng thẳng tinh thần, nhưng người nuôi cần lưu ý việc vuốt ve, ôm ấp, thậm chí ngủ chung với chó, mèo có thể khiến bạn bị lây nhiễm nhiều căn bệnh.
Nhiễm khuẩn salmonella
Có thể bạn nghĩ rằng loại khuẩn này chỉ có trong các loại thịt chưa được nấu chín nhưng thực ra, bạn có thể bị nhiễm salmonella từ thú cưng. Salmonella là một loại khuẩn sống trong đường tiêu hóa mà dù nhiễm bệnh, con vật vẫn trông khỏe mạnh.
Vi khuẩn thường có nhiều trong phân thú nuôi và có thể bám vào cơ thể chúng (như trên lông hoặc chân) sau khi phóng uế. Do đó, nếu không rửa tay sau khi tiếp xúc với con vật bị nhiễm salmonella, vi khuẩn sẽ dễ dàng lây sang bạn.
Để phòng ngừa nguy cơ bị nhiễm loại vi khuẩn gây đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, sốt…, hãy rửa tay thật kỹ, đặc biệt sau khi nựng nịu thú cưng.
Thú cưng mang lại nhiều niềm vui cho con người nhưng cần đề phòng nguy cơ lây bệnh từ chúng. Ảnh: Fox News
Nhiễm giun
Bạn có thể bị nhiễm giun từ thú cưng mà không hay biết. Tương tự như khuẩn salmonella, ấu trùng của giun có trong phân thú cưng và lây truyền sang người khi chúng ta tiếp xúc với con vật.
Bên cạnh đó, người nuôi cũng thường bị nhiễm giun khi đi chân không ra ngoài. Giun có thể xuyên qua da mà bạn không hề hay biết.
Lác đồng tiền
Lác đồng tiền là bệnh nấm ngoài da, có thể lây nhiễm từ các hồ bơi, phòng thay đồ và cả thú cưng bị nhiễm bệnh. Dấu hiệu nhận biết lác đồng tiền là trên da bạn và thú cưng xuất hiện các đốm đỏ, với phần rìa sậm màu hơn khu vực trung tâm, có cảm giác ngứa và bị bong vảy trên da.
Nếu thú cưng bị nhiễm lác đồng tiền, bạn có thể thấy bộ lông của chúng bị rụng từng mảng nhỏ, lưa thưa.
Bệnh mèo cào
Theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), 40% mèo mang vi khuẩn gây bệnh mèo cào một lần trong đời. Đây là căn bệnh do vi khuẩn Bartonella henselae có trong móng của mèo gây ra.
Bệnh lây qua đường tiếp xúc với một con mèo bị nhiễm bệnh (một vết cắn hoặc cào), hoặc tiếp xúc với nước bọt của chúng (ôm hôn hoặc bị nó liếm vào vết thương hở). Các triệu chứng nhiễm bệnh bao gồm: sốt, mệt mỏi, đau đầu hoặc sưng đỏ ở chỗ vết thương.
Để phòng ngừa, bạn không nên chơi đùa với những con mèo hay cào cắn, chú ý rửa sạch vết mèo cào với nước ấm và xà phòng.
Bệnh Lyme
Bệnh Lyme do xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi gây ra, thường lây truyền từ động vật sang người thông qua vật trung gian là những con ve ký sinh trên cơ thể thú nuôi trong nhà.
Những con ve này thường bám vào thú cưng khi chúng đi qua các bụi cây rậm rạp và có thể ẩn nấp dưới bộ lông trong thời gian dài. Bệnh Lyme không có triệu chứng ban đầu rõ rệt nhưng về sau sẽ khiến bạn phát ban trên da, sốt, hoặc đau nhức cơ hoặc khớp, cần được chữa trị sớm.
Để bảo vệ bản thân trước bệnh này, người nuôi tránh đưa thú cưng tới những khu vực có nhiều cây cỏ rậm rạp, đặc biệt là vào mùa xuân và mùa hè. Hoặc sau khi đưa chúng đi dạo trở về, cần kiểm tra kỹ xem chúng có bị ve bám hay không, nếu có thì phải tìm diệt ngay lập tức.
Bệnh Toxoplasmosis
Bệnh này xuất hiện khi người bị nhiễm một loại ký sinh trùng phổ biến ở thú cưng, đặc biệt là mèo, gọi là Toxoplasma gondii. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng giống như cúm nhẹ nhưng có thể có các biến chứng nguy hiểm hơn nếu phụ nữ bị nhiễm trong lúc mang thai. Với căn bệnh này, cách tốt nhất là phòng ngừa.
Theo đó, bạn cần vệ sinh cho mèo hàng ngày, sử dụng găng tay dọn phân của chúng và cần rửa tay thật kỹ sau khi làm vườn. Phụ nữ mang thai nên tránh chăm sóc, chơi đùa với mèo.
Bệnh dại
Vi-rút bệnh dại lây nhiễm vào hệ thần kinh trung ương của cả thú cưng lẫn con người và có thể gây tử vong. Để phòng ngừa bệnh dại, bạn nên đưa thú nuôi tiêm vắc-xin bệnh dại và cho chúng tránh xa những con thú hoang.
TRÍ VĂN (Theo Fox News)