Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

5 cách ứng phó khi con hành xử thiếu tôn trọng

17:17 - 18/09/2019

5 cách ứng phó khi con hành xử thiếu tôn trọng

 

Theo tâm lý lứa tuổi, trẻ dưới 10 tuổi đang trong quá trình tiếp nhận và chấp hành các chuẩn mực xã hội nên rất có thể chúng chưa phân biệt đúng sai trong cách ứng xử cự cãi hay hỗn xược với người khác. Hãy trang bị cho trẻ một số kỹ năng ứng xử hợp lý để trẻ vừa phục vừa nhận ra lỗi sai mà thay đổi cho hợp với chuẩn mực đạo đức.

Cha mẹ hãy bình tĩnh

Nếu bé vốn là đứa nhút nhát, tự ti hay thu mình, cha mẹ hãy nhẹ nhàng nói cho con nghe cảm giác buồn phiền của cha hoặc mẹ khi nghe thấy con ứng xử thiếu tôn trọng người lớn. Chúng vốn rất nhạy cảm, sẽ chạnh lòng và dần dần khắc phục để không có nói ra những câu làm tổn thương chính người thân của mình.

Còn đứa trẻ lanh lợi nhưng nóng nảy, cha mẹ cũng phải tùy cơ ứng biến. Nếu bạn bỏ qua hoặc quá chiều chuộng trẻ mà nhân nhượng, thì những hành vi cãi hỗn có nguy cơ sẽ nặng hơn và lúc đó bạn không thể chấn chỉnh uốn nắn được nữa.

Ngược lại, nếu cha mẹ quá cứng nhắc mà xử lý quá nghiêm khắc, con trẻ sẽ nghĩ rằng chúng bị bắt bẻ và không muốn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. Càng không nên dùng bạo lực để khống chế hành vi phản ứng mạnh của con. Với đứa trẻ có tính khí nóng cách tác động đó hoàn toàn phản tác dụng.

Ngay khi nghe thấy trẻ có những biểu hiện thiếu tôn trọng, cha hoặc mẹ giữ bình tĩnh, hít thở thật sâu để nghĩ ra những gì nên nói với con. Nếu vẫn còn tức tối, bực mình bạn hãy dừng lại và nói với con rằng sẽ nói chuyện vào lúc khác. Chính cách ứng xử chín chắn, từ tốn của phụ huynh là tấm gương để trẻ nhìn vào và học cách rèn cho mình cách ứng xử phù hợp hơn.

Trẻ dưới 10 tuổi có thể chúng chưa phân biệt đúng sai trong cách ứng xử cự cãi hay hỗn xược với người khác - Ảnh minh họa

Cùng con xác định nguyên nhân

Đôi lúc, trẻ cãi hỗn với cha mẹ lại do những nguyên nhân trước đó như kiểu “giận cá, chém thớt”. Chẳng hạn, trẻ cự cãi vì ấm ức, bức xúc chuyện bạn bè, trường lớp, chuyện bài tập, chuyện món ăn hay chỉ vì một nhu cầu nào đó mà chưa được thỏa mãn. Hãy chắc chắn, trẻ không phản ứng mạnh vì chọc tức cha mẹ.

Hãy dành cho con một khoảng thời gian xác định rồi hãy liệt kê ra những căn nguyên của cơn giận dữ và cách ứng xử thiếu lễ phép. Nếu cha mẹ kiên trì trao đổi với con để hiểu được nguyên nhân chính khiến con cãi hỗn. Từ đó, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái càng thân thiện, nếu có vấn đề gì xảy ra sẽ dễ dàng làm rõ và giải quyết nhanh gọn hơn.

Giải thích cho trẻ hiểu về những lời nói và hành xử thiếu tôn trọng

Con trẻ rất hay bắt chước những lời nói và hành động mà chúng vô tình nghe được từ bạn bè, trên phim ảnh… Với kinh nghiệm sống còn hạn chế, chúng không phân biệt được lời nói, hành động nào thì nên hay không nên. Do đó, khi cha mẹ bất ngờ thấy con phản kháng bằng những lời lẽ khó nghe thì nên bình tĩnh nói cho con hiểu đó là những điều vô lễ.

Đưa ra một số cách xử phạt để răn đe trẻ không lặp lại những hành vi vô lễ

Trong giáo dục trẻ cách ứng xử đúng lễ nghĩa, cha mẹ chủ yếu chỉ dùng phương pháp thuyết phục bằng những lời lẽ rõ ràng, dứt khoát điều gì nên làm, điều gì nên tránh. Tuy nhiên, khi hướng dẫn chu đáo, cẩn thận rồi mà trẻ vẫn vi phạm thì cần áp dụng một số biện pháp xử phạt để trẻ “thấm” lâu.

Cha mẹ không nên dùng bạo lực để khống chế hành vi phản ứng mạnh của con - Ảnh minh họa

Chẳng hạn, nếu con nói hỗn với cha mẹ sau khi đã được nhắc nhở, mà vẫn chứng nào tật nấy, sẽ bị phạt đứng im ở góc tường 15 - 30 phút. Đồng thời, yêu cầu trẻ suy nghĩ về những gì mình đã gây ra. Nặng hơn, có thể bắt trẻ chép phạt lời xin lỗi 5- 10 lần. Hoặc trẻ sẽ bị những điểm trừ cho lỗi mình mắc phải khiến những món quà, hay phần thưởng sẽ đến với trẻ muộn hơn.

Cha mẹ tuyệt đối không nên phạt trẻ bằng cách bắt trẻ làm nhiều việc nhà hơn bình thường. Điều này sẽ khiến trẻ nhầm tưởng lao động là hình phạt chỉ dành cho ai không ngoan. Vì thế, cha mẹ sẽ không đạt được mục đích giáo dục của mình.

Biểu dương kịp thời khi con ứng xử lễ độ

Mục đích quan trọng nhất là hướng trẻ biết ứng xử có lễ nghĩa. Do đó, thay vì định kiến, để ý những điều chưa tốt của con để nhắc nhở khiến con thấy khó chịu, cha mẹ hãy tạo mọi điều kiện để con nói và làm những điều hay lẽ phải. Khi chúng có bất cứ hành động nào tốt đẹp, cha mẹ nên kịp thời khen ngợi, khích lệ để trẻ phát huy.

Trẻ rất ngây thơ và cảm tính, nên những lời khen phải cụ thể tránh chung chung. Chẳng hạn: “Con thật là ngoan khi biết kiềm chế để không nói ra những lời khó nghe khi ba nhắc nhở con chăm chỉ học bài!” hoặc “Ba biết con đã cố gắng để không chen ngang lời mẹ nói như trước đây!”… Những lời động viên kịp thời sẽ kích thích trẻ có những cảm xúc tích cực và nhận ra điều gì nên làm để phù hợp với chuẩn mực xã hội. Từ đó trẻ sẽ bớt đi những hành động vô lễ với cha mẹ.

 Giảng viên tâm lý Nguyễn Văn Công

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

61169

Hôm nay:
4
Tháng này:
453
Tổng lượt truy cập:
61169