Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

4 phong trào thi đua do Thủ tướng phát động đã lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội

22:07 - 12/12/2020

Trong 5 năm qua, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, đã phát động và chỉ đạo tổ chức triển khai 4 phong trào thi đua trong phạm vi cả nước. 4 phong trào thi đua đã lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.

Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X có số lượng đại biểu tham dự đông nhất từ trước tới nay, theo Ban tổ chức. Ảnh: T.H

Thi đua phát triển toàn diện trên các lĩnh vực

Sáng nay, 10/12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Hơn 2.300 đại biểu từ khắp mọi vùng miền, dân tộc cùng có mặt tham dự sự kiện trọng thể này.

Báo cáo tại đại hội, theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh - Trưởng Ban tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Người "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất", trong 5 năm qua, các phong trào thi đua trên cả nước đã phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

Nội dung và hình thức thi đua ngày càng đổi mới, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cổ vũ, động viên nhân dân cả nước hăng hái thi đua phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh - Trưởng Ban tổ chức Đại hội nêu báo cáo phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua. Ảnh: T.H

Cụ thể, trong 5 năm qua, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, đã phát động và chỉ đạo tổ chức triển khai 04 phong trào thi đua trong phạm vi cả nước: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020"; "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở".

"Các phong trào thi đua đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, với nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo không khí thi đua sôi nổi, được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia" – Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, khi xảy ra đại dịch Covid-19, ngành y tế đã kịp thời phát động đợt thi đua đặc biệt "Ngành Y tế chung tay phòng, chống dịch Covid-19", huy động toàn bộ lực lượng trong ngành chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh… 

Đại biểu về tham dự đại hội có thành tích cao trên mọi lĩnh vực, ngành nghề, độ tuổi. Ảnh: T.H

Đổi mới, sáng tạo công tác khen thưởng

Cũng theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, trong 5 năm qua, công tác khen thưởng tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng và hướng về cơ sở; quan tâm khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, tập thể, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa.

Trên cơ sở các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng công tác khen thưởng: Quy định rõ ràng, cụ thể hơn điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục đối với từng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, đặc biệt là đã quy định cụ thể các hình thức khen thưởng cho nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp.

Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo và có những giải pháp cụ thể để tăng cường khen thưởng nhiều hơn cho công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác như: Quy định việc bình xét thi đua, tỷ lệ khen thưởng giữa cán bộ quản lý và người trực tiếp lao động, công tác; quy định tỷ lệ khen thưởng lãnh đạo, quản lý từng cấp; cân đối giữa các cơ quan chuyên môn của Đảng, chính quyền, đoàn thể và xã, phường, thị trấn; quy định số lượng khen thưởng cho công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động ở mỗi cấp...

 

Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X có số lượng đại biểu tham dự đông nhất từ trước tới nay, theo Ban tổ chức. Ảnh: T.H

Năm bài học kinh nghiệm

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra sau 5 năm triển khai rộng khắp phong trào thi đua yêu nước. Cụ thể:

Một là, công tác thi đua, khen thưởng chỉ phát huy được sức mạnh to lớn khi được các cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thực hiện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân cùng phối hợp, tổ chức và vận động quần chúng nhân dân hưởng ứng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống, với phương châm "Cả hệ thống chính trị làm công tác thi đua, khen thưởng".

Hai là, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, gắn liền với lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào thi đua phải có nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, thiết thực, nội dung các tiêu chí thi đua càng cụ thể, rõ ràng phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi cơ quan, đơn vị thì hiệu quả phong trào thi đua càng cao.

Ba là, nơi nào tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng ổn định, có năng lực trình độ, nhiệt tình, tận tụy với công việc, thông thạo chuyên môn, nghiệp vụ để giải quyết thấu đáo những vấn đề thực tiễn đặt ra thì nơi đó công tác thi đua, khen thưởng được duy trì thường xuyên và được sự quan tâm đúng mức.

Bốn là, phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, mở rộng nhiều hình thức tuyên truyền với nội dung phong phú thiết thực, coi trọng công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu học tập những cách làm hay, mô hình mới thì đem lại hiệu quả cao, thiết thực.

Và cuối cùng, thực hiện nghiêm túc sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, phải gắn kết mối quan hệ biện chứng giữa thi đua và khen thưởng, khen thưởng phải chính xác, công bằng, công khai theo đúng quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Thủ tướng: "Cái lạnh của Hà Nội xua tan bởi hơi ấm của hơn 2.300 đại biểu về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc".

Phát biểu khai mạc đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lần đại hội này thu hút số lượng đại biểu đông nhất, qua đó thể hiện phong trào thi đua yêu nước ngày càng lan tỏa mạnh mẽ tấm gương thi đua điển hình. Đó còn là thành quả sâu sắc trong 5 năm qua trong phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy tinh thần tự hào tự tôn dân tộc, hun đúc ý chí mạnh mẽ hùng cường. Thi đua trở thành điều quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày…

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc đại hội. Ảnh: T.Hùng

Theo Thủ tướng, trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước, phong trào thi đua yêu nước như những làn sóng trào dâng, kết tinh sức mạnh, mang theo khí thế lịch sử hào hùng của cha ông và dân tộc ta. Thi đua là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân tự làm mới mình, luôn nỗ lực ngày thêm tiến bộ, tự giác vươn lên giành lấy thành quả mới trong lao động, học tập, sản xuất kinh doanh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới" – Thủ tướng nhấn mạnh.

https://phunuvietnam.vn/

 

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

67286

Hôm nay:
21
Tháng này:
745
Tổng lượt truy cập:
67286