Nhận diện được tin giả (fake news), tin sai sự thật về dịch Covid-19 sẽ giúp bạn không bị hoang mang, hoảng sợ và không lan truyền những thông tin gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Mỗi ngày, trên mạng xã hội có hàng trăm ngàn thông tin liên quan đến dịch Covid-19. Trong đó, có không ít những thông tin sai sự thật, gây tâm lý hoang mang trong dư luận và gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch. Cập nhật và thông tin về dịch bệnh một cách minh bạch, kịp thời và chính xác, là một trong những biện pháp quan trọng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành: Những thông tin mình không chính mắt nhìn thấy hoặc không có năng lực kiểm chứng thông tin thì tuyệt đối không được lan truyền, dù chỉ là gửi riêng cho bạn bè.
Dù vô tình hay cố ý, việc lan truyền tin giả cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới bạn như: bị xử phạt lên tới 20 triệu đồng hoặc nặng hơn, có thể bị xử lý hình sự. Nhận biết tin giả bằng cách nào? Bạn có thể thực hiện theo 4 bước dưới đây để phân biệt tin thật - tin giả
Bước 1: Kiểm tra thông tin
Hiện nay, bạn có nhiều kênh để tiếp nhận thông tin, từ truyền hình, radio, các trang báo online, trang thông tin điện tử, cổng thông tin của các cơ quan nhà nước… Nguồn tin còn đến từ mạng xã hội, các hội nhóm hay bạn bè, những người xung quanh bạn. Tất nhiên, trong hàng trăm, hàng ngàn tin bạn tiếp nhận mỗi ngày, có tin chính xác, có tin không. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, bạn lại càng phải tiếp nhận nhiều luồng thông tin khác nhau.
Cần kiểm tra thông tin được đăng tải trên mạng
Để nhận được những thông tin chính xác, bạn nên theo dõi tin tức trên truyền hình hoặc những trang báo uy tín. Các trang báo chính thống thường có đuôi .vn và có thông tin đầy đủ của cơ quan báo chí tại chân trang. Tin tức được truyền tải trên những kênh này đã qua nhiều vòng kiểm duyệt.
Bước 2: Kiểm chứng thông tin
Với mỗi thông tin đăng tải trên báo chí hay trên mạng xã hội, bạn vẫn cần kiểm chứng xem thông tin chính xác không bằng cách: đọc và tìm hiểu nguồn tin đó có được cung cấp bởi người có thẩm quyền, đúng chức năng, được phép phát ngôn cung cấp thông tin hay không. Những thông tin trong bài viết có nêu rõ tên người, địa phương, thời gian… không.
Với những tin chung chung, không rõ tên nhân vật, địa danh… cụ thể, bạn cần kiểm chứng lại. Ví dụ tiêu biểu của nguồn tin không chính xác, tin giả là thông tin người dân tại Vũ Hán ném tiền qua cửa sổ tuyệt vọng vì dịch bệnh Covid-19 được lan truyền trong thời gian qua, đã gây hoang mang cho nhiều người.
Khi xem hình ảnh, clip về dịch Covid-19 trên mạng, bạn cần kiểm chứng để phân biệt tin thật - tin giả
Bước 3: Xác minh lại hình ảnh
Tin giả không chỉ là những dòng chữ viết, mà đôi khi, còn là các hình ảnh. Bạn luôn nghĩ, hình ảnh là minh chứng rõ ràng nhất, và tin ngay những thông tin trong hình ảnh đó.
Nhưng thực sự, những hình ảnh có thể bị làm giả, bị cắt ghép, chỉnh sửa theo từng dụng ý khác nhau của người đăng tải thông tin.
Do vậy, để biết được những hình ảnh đó có chính xác không, bạn nên xác minh lại bằng cách: Nhấp chuột phải vào hình ảnh đó, và chọn mục Tìm kiếm hình ảnh trên Google. Những thông tin về hình ảnh gốc sẽ được hiện ra, bạn sẽ dễ dàng nhận biết, đó là ảnh thật hay ảnh đã chỉnh sửa.
Bước 4: Cân nhắc kỹ trước khi like, chia sẻ, bình luận
Trước mỗi thông tin hay hình ảnh bất kì, bạn nên tỉnh táo, suy nghĩ một chút trước thông tin đó, xem những tin tức, hình ảnh đó mang lại giá trị gì với mình, có làm cho mình thêm hoang mang, lo lắng về bệnh dịch hay không. Nếu những tin tức đó mang đến suy nghĩ tiêu cực cho bạn, hãy mạnh dạn ẩn những hàng tin đó đi.
Nhận diện được tin giả (fake news), tin sai sự thật về dịch Covid-19 sẽ giúp bạn không bị hoang mang, hoảng sợ và không lan truyền những thông tin gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Tương tự như vậy, trước khi nhấn nút like, chia sẻ hay bình luận trên mạng xã hội, bạn nên cân nhắc xem những thông tin đó có hữu ích cho bạn bè, cho cộng đồng hay không.
Dừng lại một chút khi tiếp nhận thông tin, bạn đã cùng chung tay đẩy lùi "cơn bão" tin giả trong mùa dịch Covid-19.
Quy định xử phạt với hành vi đưa tin giả mạo, sai sự thật.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP (Điều 101) quy định về mức phạt đối với hành vi tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, cụ thể:
Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.
Ngoài việc phạt tiền, người có hành vi vi phạm buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Vân Anh