Phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành một phần của cuộc sống. Không chỉ người lớn đổ xô vào các trang xã hội, các nghiên cứu cho thấy, trẻ em cũng tham gia ngày càng tăng.
Tuy nhiên, mạng xã hội được cho là môi trường thiếu an toàn đối với trẻ em. Vì vậy, là người có trách nhiệm, hãy thảo luận những vấn đề sau đây với con mình trước khi chúng tham gia Facebook, Instagram, TikTok, Zalo hoặc các trang mạng xã hội khác.
Bạn có chắc chắn muốn chia sẻ điều đó không?
Những gì diễn ra trên Internet vẫn tồn tại trên Internet. Đó là điều mà hầu hết người lớn có xu hướng quên, mặc dù nó nên được nhắc lại mỗi khi họ cân nhắc chia sẻ bất cứ điều gì trên Internet. Câu “thần chú” đó càng nên được nhấn mạnh đối với những đứa trẻ sắp tham gia các mạng xã hội của người lớn.
Chia sẻ với con cái những vấn đề quan trọng khi chúng tham gia mạng xã hội luôn là điều cần thiết.
Nếu các con của bạn muốn đăng hoặc chia sẻ điều gì đó, phải luôn cho các con biết rằng nó sẽ ảnh hưởng như thế nào trong tương lai. Mặc dù có thể là một nhiệm vụ khó khăn khi thảo luận về một chủ đề như vậy với thanh thiếu niên, nhưng nó vẫn quan trọng. Một nguyên tắc nhỏ trước khi đăng bất cứ điều gì là nên tham khảo ý kiến những người lớn tuổi (ví dụ như ông bà) để xem họ sẽ nói gì, nếu xem nội dung.
Nhiều bài học đắt giá đã cho thấy các việc làm thiếu thận trọng thời trẻ tuổi có thể quay lại “ám ảnh” họ suốt đời, làm mất cơ hội lựa chọn nghề nghiệp thậm chí là chọn các trường tốt trong tương lai. Thực tế, có vô số ví dụ về các bài đăng và hình ảnh trên mạng xã hội, diễn đàn, các bình luận thiếu cân nhắc... đã ảnh hưởng các nhân vật nổi tiếng, từ giới nghệ sĩ, nhân vật thể thao cho đến các quan chức...
Bạn có thực sự biết người đó?
“Đừng nói chuyện với người lạ” có lẽ là một trong những lời khuyên lặp đi lặp lại mà các em đã nghe khi lớn lên. Chúng không chỉ nghe những lời này từ cha mẹ, giáo viên, tại các nơi công cộng, các chương trình trẻ em... Vì vậy, trong khi hầu hết thanh thiếu niên có thể cho rằng mạng xã hội an toàn hơn vì nó trực tuyến và không tiếp xúc trực tiếp với người lạ, thì cha mẹ nên nói rõ ràng rằng các rủi ro là như nhau và trong một số trường hợp thậm chí có thể còn tồi tệ hơn. Bạn có thể minh họa rủi ro bằng những câu chuyện liên quan đến thanh thiếu niên bị những kẻ “săn mồi” trên mạng chải chuốt và cuối cùng trở thành nạn nhân của chúng.
Hiện nay có rất nhiều chương trình tư vấn, tọa đàm đề cập đến chủ đề trực tuyến của trẻ em mà cha mẹ cần tìm hiểu để biết mặt tối của công nghệ và cuộc sống kết nối khi thảo luận với trẻ em.
Những thiết lập riêng tư
Khi người lớn đăng ký mạng xã hội, họ hiếm khi cài đặt quyền riêng tư của mình, vì vậy không thể mong đợi các thanh thiếu niên sẽ quan tâm điều đó, ngay cả khi họ sinh ra trong một thế giới kết nối. Một điều khác cần lưu ý là các mạng xã hội liên tục cập nhật các cài đặt quyền riêng tư và bảo mật để theo kịp các chính sách mới, mà nhiều người không để ý. Vì vậy, truyền cho thanh thiếu niên ý thức trách nhiệm về cách xử lý và xem dữ liệu riêng của các em là rất quan trọng.
Một số mạng xã hội có các công cụ cho phép bạn đánh giá quyền riêng tư của mình. Ví dụ, Facebook có Kiểm tra quyền riêng tư. Công cụ này cho phép bạn xem hồ sơ của mình thông qua việc dò xét “con mắt” của nhiều người khi họ “nhìn” bạn trên mạng xã hội, từ bạn bè đến người lạ, vì vậy bạn có thể dễ dàng chọn những gì bạn muốn chia sẻ và với ai.
Một tùy chọn tiện lợi khác cho phép bạn kiểm tra xem ai có thể xem các bài đăng trước đây và các dự đoán tương lai. Bạn cần tìm hiểu về cài đặt quyền riêng tư trên mạng xã hội để hiểu rõ hơn về những tùy chọn bạn có để bảo mật thông tin cá nhân của con bạn.
HOÀNG THY (Theo Welivesecurity)